Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành TN&MT

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:50, 31/05/2022

Sáng 31/5, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030 lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
3.jpg
Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường phát biểu tại hội thảo

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường, trong giai đoạn 2011-2021, lĩnh vực công nghệ thông tin đã triển khai tổng số 53 nhiệm vụ KH&CN bao gồm: 5 nhiệm vụ cấp quốc gia; 31 nhiệm vụ cấp Bộ và 17 nhiệm vụ cấp cơ sở. Kết quả nghiên cứu KH&CN đã được đưa vào ứng dụng, sử dụng nhanh, kịp thời, hiệu quả đóng góp vào thành công của triển khai Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường; cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; triển khai các đề án, dự án lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.

Trong đó, về cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử, chỉ số cải cách hành chính của Bộ tăng liên tục 10 bậc (từ thứ 16 lên thứ 6 năm 2021), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyển thông tăng 6 bậc (từ 18 lên thứ 12) và Bộ luôn nằm trong nhóm dẫn đầu trong phát triển Chính phủ điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đơn giản hóa là 214/266 (chiếm 80,1%), ước tính hằng năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 33,8 triệu giờ công lao động và khoảng 1.010,2 tỷ đồng một năm.

2(1).jpg
Bà Vũ Thị Hằng, phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) chia sẻ tại hội thảo

Hệ thống họp trực tuyến sau khi nghiên cứu, đưa vào triển khai đã mang lại hiệu quả lớn đặc biệt trong đại dịch Covid-19, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, đã tổ chức gần 6.630 cuộc họp với sự tham gia của 78.800 điểm với thời gian hơn 10.000 giờ.

Về xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đã trình ban hành 1 Nghị định, 1 thông tư về thu nhận, phổ cập, quản lý, sử dụng dữ liệu; 2 định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng, duy trì, vận hành hệ thống thông tin; kiến trúc chính phủ điện tử (phiên bản 1.0 và 2.0); chương trình chuyển đổi số ngành tài nguyên môi trường, chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ về xây dựng, phát triển Chính phủ số và Chuyển đổi số và 3 Tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực CNTT.

Theo đánh giá của bà Vũ Thị Hằng, phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT), hoạt động KH&CN giai đoạn 2011 - 2021 trong lĩnh vực CNTT của Bộ đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành Chiến lược; cung cấp cơ sở khoa học cho việc chuyển sang công nghệ số trong công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, quan trắc về tài nguyên và môi trường; góp phần xây dựng được mô hình và khung cấu trúc cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường làm nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống mạng thông tin ngành TN&MT.

4.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo

Cùng với đó, góp phần quan trọng triển khai ứng dụng CNTT thay đổi phương thức làm việc phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp; góp phần hiện đại hóa, ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến, dần nắm bắt được các công nghệ cốt lõi, áp dụng trong chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về TN&MT, kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu, tạo tiền đề bước vào kỷ nguyên số, hoạt động dựa trên dữ liệu số, công nghệ số, mô hình số.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận về “Kết quả nghiên cứu, ứng dụng trong giám sát hệ thống CNTT ngành TN&MT”; “Tích hợp, chia sẻ dữ liệu TN&MT phục vụ chuyển đổi số ngành TN&MT: kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh”; “Thu nhận, xử lý, trực quan hóa và phân tích dữ liệu quan trắc TN&MT”; “Xu hướng về khoa học dữ liệu và một số đề xuất cho ngành TNMT giai đoạn 2021-2030" và “Điện toán đám mây trong công cuộc chuyển đổi số: cơ hội và thách thức”. Đồng thời, trao đổi, thảo luận về định hướng hoạt động KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ngành TN&MT và các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

1(3).jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Ghi nhận các góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường Lê Phú Hà cho biết định hướng nghiên cứu KH&CN lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số, dữ liệu mở, chiến lược quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số, thương mại hóa thông tin, số liệu thúc đẩy kinh tế số ngành TN&MT; nghiên cứu ứng dụng, phát triển các giải pháp công nghệ nền tảng, trong đó tập trung vào các nền tảng dữ liệu lớn, nền tảng số tập trung, hệ sinh thái phân tích dữ liệu, ứng dụng AI, nền tảng dự báo, cảnh báo, các giải pháp bảo vệ bản quyền dữ liệu số, bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật thông tin.

Bên cạnh đó, nghiên cứu ứng dụng, phát triển, làm chủ và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như điện toán đám mây, IoT, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, học máy, chuỗi khối, thị giác máy tính và các công nghệ thông minh trong quan trắc, điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường; nghiên cứu, xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm nền tảng cho vận hành Chính phủ điện tử, phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành cho việc ứng dụng AI, Big data vào lĩnh vực TN&MT.

Hoàng Ngân