Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Trong nước - Ngày đăng : 12:48, 31/05/2022

Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 31/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo, thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội.

1.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho tổ chức chủ trì

Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả (chương trình máy tính, phần mềm máy tính); cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Đối với nội dung liên quan đến sở hữu công nghiệp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì (Điều 86a); đồng thời quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì (các điều 133a, 135 và 136a). Trong Báo cáo đầy đủ đã thể hiện rõ nội dung này.

Đối với nội dung liên quan đến giống cây trồng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 164 của Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở luật hóa một số quy định hiện hành và ghi nhận nội dung: Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, quyền đăng ký giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn. Các điều 191, 191a, 191b và 194 của dự thảo Luật cũng được sửa đổi, bổ sung để làm rõ cơ chế phân chia lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW, bảo đảm tính đồng bộ với các quy định có liên quan về sở hữu công nghiệp.

66.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Đối với đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì liên quan đến một số đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đặc thù của đối tượng quyền tác giả.

Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 139, khoản 4 Điều 194 theo hướng: Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam nhằm bảo đảm các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước trước tiên phải được khai thác để phục vụ lợi ích của đất nước, thực hiện các mục tiêu, chính sách của quốc gia, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận, sử dụng, hưởng lợi của người dân từ kết quả nghiên cứu này.

Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ), ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, một số ý kiến tán thành thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và đề nghị quy định lộ trình thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội. Việc không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là hợp lý vì các lý do sau đây: Ưu điểm của việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính là hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp nhằm kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hơn nữa, biện pháp này không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra; Việc chuyển một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp để chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh...

Không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

Liên quan đến việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 2 Điều 7 như sau:“2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.

Về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hài hòa giữa các mục tiêu về thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghệ, bảo đảm tách bạch giữa thủ tục kiểm soát an ninh đối với sáng chế và xử lý đối với đơn đăng ký sáng chế mật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: chỉnh lý khoản 1 Điều 89a để xác định các nguyên tắc và phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này (khoản 2 Điều 89a); việc xử lý đơn đăng ký đối với sáng chế mật được thực hiện theo quy định của Chính phủ (khoản 3 Điều 108).

99.jpg
Quang cảnh phiên hộp. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến quy định điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc cho phép luật sư được hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp mà không phải thông qua kỳ kiểm tra nghiệp vụ chỉ áp dụng cho nhóm dịch vụ đại diện nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại… là các đối tượng sở hữu công nghiệp mà việc xác lập quyền chủ yếu dựa trên căn cứ pháp lý, các luật sư có thể đáp ứng ngay. Quy định miễn trừ này không áp dụng đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là các đối tượng mà việc xác lập quyền dựa trên yếu tố kỹ thuật, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành sâu. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như thể hiện tại khoản 2a Điều 155 của dự thảo Luật.

Đối với quy định hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng (Điều 190 của Luật Sở hữu trí tuệ), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bên cạnh các khu vực sản xuất quy mô lớn về cây trồng ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long thì vẫn còn nhiều diện tích canh tác thuộc các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành sản xuất quy mô lớn, tập trung. Việc quy định giới hạn nông dân giữ giống cây trồng chưa được tổng kết, đánh giá tác động kỹ lưỡng trên phạm vi, quy mô cả nước, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc bảo đảm an ninh lương thực và đời sống của nông dân. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội xin giữ nội dung này như Luật hiện hành.

Về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và thống nhất với ý kiến của Chính phủ để chỉnh lý cụ thể, chặt chẽ hơn quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 198b theo hướng: xác định các trường hợp được miễn trừ, làm rõ và minh bạch hơn các điều kiện đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian để được hưởng quyền miễn trừ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế có liên quan trong Hiệp định EVFTA.

Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc gỡ bỏ nội dung thông tin số vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là nội dung thuộc trách nhiệm chung trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet đã được quy định tại khoản 2, đồng thời được xác định cụ thể hơn trong một số trường hợp tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 198b. Trình tự thực hiện trách nhiệm này là nội dung thuộc phạm vi thủ tục, nghiệp vụ chuyên môn, vì vậy xin giao Chính phủ quy định chi tiết như tại khoản 6 Điều 198b của dự thảo Luật.

Thanh Tùng