Đưa việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào luật là cần thiết
Trong nước - Ngày đăng : 12:42, 31/05/2022
Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 31/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Hoàn thiện quy định về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra luật đã chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc lắng nghe, cầu thị, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội cũng như của cử tri và nhân dân. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung lần này đã phần lớn giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh về vấn đề sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã đáp ứng được cơ bản mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cũng đã được điều chỉnh đảm bảo tính đồng bộ với một số điều của Luật Giá; Luật Hải quan; Luật Khoa học, công nghệ; Luật quản lý, sử dụng tài sản công để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
“Đặc biệt, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng như giao quyền cho tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, giống cây trồng được tạo ra có sử dụng một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước một cách tự động mà không bồi hoàn. Đây là một bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nước trên không gian mạng ngày càng phổ biến hơn nên việc quy định sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa đảm bảo quyền hưởng thụ của người dân.
“Vừa qua có sự đáng tiếc xảy ra trong sự kiện thể thao quốc tế về Quốc ca. Đó là sự vi phạm tôn nghiêm của quốc gia chúng ta. Cho nên việc quy định tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là rất cần thiết”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Về hạn chế của quyền chủ bằng bảo hộ giống cây trồng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đất nước ta đa số là người dân sống, sản xuất nông nghiệp rộng khắp trên các vùng miền. Tuy nhiên, chỉ có Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là có các khu vực sản xuất nông nghiệp rộng lớn, còn lại là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhất là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, vốn canh tác thuần nông theo tập quán gieo trồng cây trồng cũ có từ lâu đời. Cho nên việc nông dân giữ giống cây trồng để canh tác cho mùa kế tiếp là đúng nhằm giảm chi phí đầu vào, sản xuất hình thức tự cung, tự cấp; đồng thời hiện tại khó mà lay chuyển nhận thức cho đồng bào nơi đây. Cho nên việc quy định như luật hiện hành là phù hợp với đặc điểm, đặc tính của vùng miền.
Bảo đảm các nội dung tương thích với thông lệ quốc tế
Góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu rõ, về chấm dứt văn bằng bảo hộ được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ là điều khoản nội luật hóa khoản 1 Điều 12.22 Chương 12 của EVFTA quy định về việc sử dụng thực sự nhãn hiệu như sau: "Mỗi bên quy định rằng một nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị đình chỉ hiệu lực nếu trong vòng 5 năm liên tục trước khi có yêu cầu đình chỉ nhãn hiệu đó không được trụ sở hoặc bên nhận chuyển giao quyền sở hữu đưa vào sử dụng một cách thực sự tại lãnh thổ tương ứng". Đại biểu đề nghị bổ sung 2 chữ "thực sự" vào sau cụm từ "cho phép sử dụng" để thống nhất với quy định của EVFTA.
Về chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu do nhãn hiệu sử dụng theo cách thức gây nhầm lẫn cho người người tiêu dùng quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ quy định theo hướng thu hẹp các hành vi gây nhầm lẫn cho công chúng chỉ còn 3 hành vi là: Bản chất, chất lượng và nguồn gốc địa lý. Đại biểu cho rằng như vậy sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chủ nhãn hiệu.
Đại biểu nêu rõ, trước đó, tại Kỳ họp thứ 2 đã có luận giải và lấy ví dụ rất cụ thể về nhãn hiệu TOMTO gây nhầm lẫn với nhãn hiệu OMO. Lần này, đại biểu lấy thêm một ví dụ nữa mong Quốc hội xem xét lại điều khoản này, cụ thể là nhãn hiệu Inax của Tập đoàn Lixil và nhãn hiệu nhãn hiệu Isavi của Công ty TNHH Lisavi Việt Nam không liên quan đến bản chất lượng và nguồn gốc địa lý nhưng gây nhầm lẫn.
Đại biểu đề nghị chỉnh lý Điểm h Khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí theo hướng: “Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch, đặc biệt là về bản chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa và dịch vụ đó...” và đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật.
Về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Các hành vi sau đây bị coi là cạnh tranh không lành mạnh, chiếm hữu và sử dụng tên miền hoặc tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bộ của người khác được chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu, lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính”. Như vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ đã thu hẹp phạm vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới tên miền là loại bỏ hành vi đăng ký và hành vi bị xử lý đáp ứng cùng lúc cả 2 điều kiện chiếm hữu và sử dụng.
Đại biểu cho rằng, điều này dẫn đến 3 hệ lụy. Một là, đi ngược lại xu hướng thế giới về chính sách thống nhất giải quyết tranh chấp tên miền. Chính sách này quy định: "Hành vi chiếm giữ tên miền mà không sử dụng trong đa số các vụ việc bị coi là hành vi có dụng ý xấu và tên miền được trả lại cho chủ sở hữu nhãn hiệu". Hai là quy định này dễ dẫn đến bị lợi dụng theo hướng có lợi cho những đối tượng đầu cơ tên miền, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh hợp pháp của chủ sở hữu, nhãn hiệu, tên thương mại. Cùng với đó sẽ gây lãng phí tài nguyên số của quốc gia do tên miền bị đăng ký nhưng không nhằm mục đích sử dụng thực tế.
Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại Điểm đ Khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ như sau: "Các hành vi sau đây bị coi là hành vi không cạnh tranh lành mạnh: đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc gây tương tự, nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng hoặc có dụng ý xấu hoặc nhằm thu lợi bất chính”.