Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tái khởi động: liệu có thể bứt phá mạnh mẽ?
Bất động sản - Ngày đăng : 10:07, 31/05/2022
Du lịch khởi sắc nhanh sau “bão” Covid-19
Một số điểm sáng như việc mở cửa lại đường bay quốc tế từ ngày 15/3/2022, chương trình “Hộ chiếu vắc-xin” kỳ vọng thu hút lượng lớn khách quốc tế, góp phần thúc đẩy sự hồi phục của du lịch Việt Nam. Một số địa phương có ngành du lịch phát triển như: Cần Thơ, Tây Ninh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Lào Cai, Khánh Hòa... công suất cho thuê buồng phòng đạt mức trên 90%, riêng đối với buồng phòng từ 4 - 5 sao tỷ lệ kín phòng đạt đến 70%. Giá thuê cũng tăng khoảng 5 - 10% so với quý IV/2021.
Theo các chuyên gia, thị trường du lịch phát triển cùng sự hoàn thiện của hệ thống pháp lý... sẽ là những động lực chính thúc đẩy bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng tăng tốc sau thời gian dài “ngủ đông”.
“Từ đầu năm 2022, nhu cầu du lịch đã bắt đầu quay trở lại, bao gồm các hoạt động du lịch quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có ít rào cản nhất đối với thị trường khách quốc tế. Chúng ta đang đứng trước cơ hội đón đầu nhu cầu phục hồi du lịch từ nhóm khách châu Á sau một thời gian dài phải tạm dừng thực hiện các chuyến đi. Các khách sạn trong thành phố cũng ghi nhận sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế trong vài tuần qua. Tuy giá phòng và công suất của các khách sạn vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch và so với một vài điểm đến khác trong khu vực nhưng nhìn chung hai chỉ số này đều có xu hướng cải thiện” - Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels APAC phân tích.
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trên đà phục hồi
Sau khoảng thời gian tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19, các chủ đầu tư đang tích cực tái khởi động trở lại phân khúc BĐS nghỉ dưỡng khi mùa du lịch bắt đầu.
Dự kiến trong năm 2022, ngành khách sạn Việt Nam sẽ đón nhận nhiều dự án khách sạn mang thương hiệu quốc tế đi vào hoạt động tại các thị trường du lịch quen thuộc như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt...
Số lượng dự án khách sạn và resort mang thương hiệu tại Việt Nam đã tăng trưởng từ 36 dự án (8.200 phòng) vào năm 2010 lên 120 dự án (32.000 phòng) vào cuối tháng 1/2022.
Mô hình condotel vẫn sẽ là một sản phẩm chiếm thị phần không nhỏ của ngành du lịch Việt Nam. Theo thống kê của Savills, 16.000 căn condotel (căn hộ khách sạn) và biệt thự nghỉ dưỡng đã được mở bán trên thị trường vào năm 2019 và giảm mạnh chỉ còn 4.000 căn vào năm 2021. Trong năm 2022, thị trường dự kiến sẽ có hơn 8.000 sản phẩm được mở bán, với gần 50% nguồn cung mang thương hiệu khách sạn quốc tế và khu vực.
Theo báo cáo của DKRA, phân khúc nhà phố/shop house nghỉ dưỡng, nguồn cung đạt 1.075 căn, tăng 72% so với tháng 4/2021, tỷ lệ tiêu thụ đạt 58%, chiếm 626 căn.
Các hình thức BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang ngày càng phong phú hơn với nhiều hình thái. Trong 3 - 5 năm tới, BĐS nghỉ dưỡng sẽ cực kỳ phát triển và ngày càng đa dạng nên các quy định pháp luật cũng phải đa dạng để theo kịp sự phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng
Tiềm năng phát triển cùng tính thanh khoản cao của loại hình này đã góp phần giúp tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt kết quả khả quan, đạt 58% trong tháng 4/2022. Trong đó, 39% số lượng giao dịch đến từ các dự án ở khu vực phía Nam chủ yếu tại Phú Quốc, chiếm 95% lượng giao dịch toàn khu vực.
Bà Carolina Fagnani - Giám đốc cấp cao, khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Tập đoàn khách sạn Radisson nhận định: “Trong quá trình phát triển dự án, quy trình hoạch định cẩn trọng cùng với bước thẩm định và nghiên cứu thị trường thấu đáo là những yêu cầu tất yếu nhằm giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển. Thành công của các dự án không thể không kể đến việc song hành cùng với một thương hiệu khách sạn hoặc nhà điều hành uy tín, đồng thời, đi kèm với chính sách quản lý dự án chuyên nghiệp và phù hợp với thị trường mục tiêu”.
Bên cạnh đó, tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý liên tiếp trong những tháng đầu năm 2022, các yếu tố về chính sách và kinh tế vĩ mô của Nhà nước như gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng của Chính phủ để kích cầu và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, phân bổ ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, điều chỉnh lãi suất ngân hàng… đang mở ra nhiều cơ hội mới để các phân khúc BĐS nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung phát triển sôi động trở lại.