Mơ hồ như khói thuốc
Xã hội - Ngày đăng : 10:06, 31/05/2022
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực từ 1/5/2013. Mười năm đi qua, gần bằng tuổi thọ trung bình của một bộ Luật, tuy nhiên, không ít người đã biết đến tác hại của thuốc lá nhưng việc đã có hẳn một bộ Luật quy định rõ về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá, chắc chắn nhiều người còn chưa rõ (?!)
Chính vì thế, công việc của những người bán tạp hóa vẫn diễn ra thường nhật. Những bao thuốc lá vẫn được bán cho người có nhu cầu, thậm chí, cả những đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi khi mua thuốc cũng không nhận được bất cứ sự phản ứng nào của người bán! Rất nhiều hộ kinh doanh khi được hỏi đều không biết hoặc rất mơ hồ về sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Những tủ thuốc với rất nhiều nhãn hiệu thuốc lá được trưng bày công khai bất chấp những điều khoản quy định của Luật đã được ban hành và áp dụng.
Trong khi đó, tại Nghị định 117/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định rõ: Hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi bị phạt đến 5 triệu đồng. Cùng với đó, hành vi sử dụng người dưới 18 tuổi để đi mua thuốc lá bị phạt đến 1 triệu đồng. Nghị định này cũng quy định phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
Quy định đã rõ, nhưng những con số về thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thấy, hoạt động này mới chỉ diễn ra ở một số địa bàn nhất định, không thường xuyên, kết quả thu được không nhiều. Tại Hội thảo triển khai kế hoạch dự án "Tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thông qua thí điểm mô hình huy động sự tham gia của cộng đồng ở cấp quận và nhân rộng trên toàn quốc" do Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá tổ chức hôm 6/5, đại diện Bộ Y tế cho hay, từ năm 2019 - 2020, kiểm tra được 1.927 đơn vị, cơ sở, xử phạt 376 trường hợp với số tiền xử phạt là 563,9 triệu đồng. Năm 2021, Bộ Công an đã tổ chức 15 đợt thanh kiểm tra tại 599 đơn vị, xử phạt 15 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt là 120 triệu đồng... Rõ ràng đó một con số quá khiêm tốn - thách thức lớn để thực hiện mục tiêu môi trường không khói thuốc ở nước ta.
Một tác hại không kém khói thuốc lá và cũng bị xã hội lên án chính là lạm dụng rượu bia. Song, nếu so sánh với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, sẽ thấy có một sự khác biệt không hề nhỏ. Chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia song hành với những chế tài mạnh của Nghị định 100 ngay từ những bước đầu tiên, từ đó, tạo thành bàn tay thép, mạnh mẽ đẩy lùi vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông. Từ những quy định đầy dứt khoát của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong giao thông, soi chiếu trở lại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, có thể thấy rõ vấn đề đang nằm ở quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ truyền thông, vận động.
Bởi thế, khi hút hay không hút, ngăn hay không ngăn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự tự ý thức, tự điều chỉnh của các chủ thể liên quan, thì phản ứng của nạn nhân cũng chỉ là những tiếng nói yếu ớt, lọt thỏm giữa khói thuốc mịt mùng. Vậy nên, 10 năm hay nhiều hơn thế nữa, mọi thứ vẫn sẽ "giậm chân", nếu quy định chỉ hướng đến mục đích kêu gọi tự thức tỉnh.
Đã đến lúc phải thực thi pháp luật trên mọi lĩnh vực thật nghiêm. Không ai có thể né luật, lách luật. Không có vùng cấm, “bầu trời riêng”. Đó chính là thông điệp để đất nước đi vào kỷ cương, mà ở đó nhất nhất mọi công dân phải tuân thủ quy định pháp luật.