Phòng, chống tác hại thuốc lá: Cần sự hợp tác hiệu quả, đi vào chiều sâu

Môi trường - Ngày đăng : 06:53, 31/05/2022

(TN&MT) - Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” làm chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022. Thông qua đó, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.

Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế; Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế nhân sự kiện này.

PV: Thưa ông, ông có thể dẫn chứng những số liệu cho thấy tác hại của thuốc lá đối với môi trường và sức khỏe?

PGS. TS Lương Ngọc Khuê: Theo báo cáo của WHO và các nhà khoa học, thuốc lá là nguyên nhân chính gây tử vong ở các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, ung thư, đột quỵ, hen phế quản trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư, nhất là ung thư phổi, chiếm 95% và khói thuốc lá tác hại tới bệnh tim mạch, ảnh hưởng tới đột quỵ, chiếm tới 90% và đối với những bệnh không lây nhiễm khác, khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính tác động đến căn bệnh gây nhóm tử vong cao nhất Việt Nam.

ong-khue.jpg
PGS. TS Lương Ngọc Khuê. Ảnh: Hoàng Minh

Ngoài ra, hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ người bệnh đang điều trị ở các bệnh viện Việt Nam mắc các bệnh không lây nhiễm với nguyên nhân do thuốc lá chiếm 70,5%. Các trường hợp mắc bệnh ung thư và bệnh viện quá tải ngày càng gia tăng.

Trong tình hình các bệnh nhân mắc bệnh về hô hấp ngày càng gia tăng và trong giai đoạn hậu Covid-19, chúng ta càng cần phải chung tay tiếp tục thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc là và ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch này ở Việt Nam.

Mặc dù chúng ta đã nỗ lực, nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn rất cao. Tỷ lệ nam giới ở độ tuổi trưởng thành hút thuốc chiếm 54 - 59% vào năm 2000, đã giảm xuống còn 42,3% vào năm 2020, nhưng trung bình, cứ 2 người nam giới ở tuổi trưởng thành thì có một người hút thuốc lá.

WHO và các nhà khoa học đánh giá, tỷ lệ hút thuốc lá tự động cũng cao, chiếm khoảng 30 triệu người ở Việt Nam.

Rõ ràng, ảnh hưởng của khói thuốc lá tới sức khỏe của cộng đồng là hết sức to lớn. Do vậy, WHO đã đưa ra chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” với mong muốn chúng ta có thể cùng nhau sống trong một môi trường không khói thuốc, môi trường xanh - sạch - đẹp để bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta.

PV: Xin ông chia sẻ rõ hơn về chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay và ở nước ta đã có những hoạt động cụ thể như thế nào để hưởng ứng Ngày này, thưa ông?

PGS. TS Lương Ngọc Khuê: Đây là một chủ đề liên quan đến các mục tiêu của Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá cũng như mục tiêu của công cuộc phòng, chống tác hại thuốc lá là hướng tới môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Khói thuốc là một trong những nguyên nhân rất lớn gây tử vong và các bệnh không lây nhiễm. Hơn nữa, sau đại dịch Covid-19, việc có một môi trường trong lành cho lá phổi, cũng như môi trường chung cho sức khỏe là hết sức cần thiết.

Để hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Bộ Y tế và Chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá đã tổ chức nhiều hoạt động ở tất cả các địa phương trên toàn quốc, các bộ, ban, ngành. Ngày 27/5 vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Lễ mít tinh tại Đại học TN&MT Hà Nội nhằm phát động rộng rãi phong trào phòng, chống tác hại thuốc lá và chung tay vì môi trường xanh - sạch - đẹp.

PV: Như ông chia sẻ, ngày 27/5, ông đã tham gia Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5/2022 của Bộ TN&MT và được nghe những chia sẻ từ Bộ về các mô hình không khói thuốc như: “Văn phòng xanh không khói thuốc”, “học đường không khói thuốc”... Ông đánh giá như thế nào về các mô hình này?

PGS. TS Lương Ngọc Khuê: Sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ TN&MT, Văn phòng Bộ và Báo TN&MT - đơn vị được Bộ giao tổ chức Lễ mít tinh đã cho thấy kết quả rất đáng ghi nhận với những mô hình điểm đáng chú ý. Đó là những mô hình mẫu, có thể nhân rộng trong toàn ngành tài nguyên môi trường cũng như các cơ sở khác ở các bộ, ngành, cơ quan khác.

dsc_3437.jpg

Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5/2022. Ảnh: Hoàng Minh

Những mô hình này thể hiện sự hưởng ứng nhiệt tình của Bộ TN&MT đối với Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá cũng như việc tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.

PV: Bên cạnh những mô hình không khói thuốc lá của Bộ TN&MT, ông có thể chia sẻ thêm về một số mô hình và hoạt động đã và đang được triển khai tại các đơn vị khác?

PGS. TS Lương Ngọc Khuê: Thời gian qua, các hoạt động thiết thực như đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động đã được nhiều cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm.

Tại các tỉnh, thành phố, công tác xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc cũng được chú trọng triển khai. Một số bệnh viện điển hình như bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, Bệnh viện huyện Hải Hậu, Nam Định,…

Mô hình khách sạn, nhà hàng không khói thuốc lá cũng đang được nhiều khách sạn, nhà hàng hưởng ứng như khách sạn Novotel và Lotus tại Hạ Long (Quảng Ninh); Khách sạn Hữu Nghị tại Hải Phòng; chuỗi nhà hàng Thái Express; khách sạn Caravelle T.P Hồ Chí Minh… với quy định cấm hút thuốc khu vực bên trong khách sạn, nhà hàng.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc cũng được triển khai như: Tổng Liên đoàn Lao động phát động phong trào thi đua “Công đoàn cơ sở không khói thuốc lá”; Bộ Nội Vụ phát động phong trào “Văn phòng Xanh”; Công đoàn Y tế phát động phong trào “Bệnh viện xanh - sạch - đẹp không khói thuốc”, Quận Hoàn Kiếm triển khai mô hình “Nhà hàng, khách sạn bảo đảm an toàn thực phẩm và không khói thuốc”…

PV: Thời gian tới, Bộ Y tế và Bộ TN&MT cũng như các bộ, ngành khác sẽ có sự phối hợp chặt chẽ như thế nào để công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu, thưa ông?

PGS. TS Lương Ngọc Khuê: Để thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, một trong những giải pháp hết sức quan trọng là sự phối hợp liên ngành giữa các tổ chức chính trị - xã hội, các bộ, ban, ngành. Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá là một vấn đề y tế công cộng, do vậy, không thể chỉ riêng Bộ Y tế và các thầy thuốc triển khai công tác này, cần phải có sự chung tay và phối hợp hết sức chặt chẽ, nhiệt tình và vượt mọi khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đặc biệt, chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay liên quan rất lớn đến vấn đề môi trường, do vậy, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Bộ TN&MT và Bộ Y tế để triển khai thực hiện chủ đề năm nay để đạt được những kết quả tốt nhất trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Đan (thực hiện)