Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giải quyết những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch
Trong nước - Ngày đăng : 21:57, 30/05/2022
Quy hoạch tích hợp không có nghĩa là cả nước chỉ có một bản quy hoạch
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao lần này là rất sát thực, phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tính cấp bách của thực tiễn hiện nay. Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua cũng là một trong những Bộ đã trình được Chính phủ và được Quốc hội thông qua quy hoạch về đất đai - một trong ba quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch.
Liên quan đến quy hoạch tích hợp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, xét theo kinh nghiệm thế giới và lý luận, thực tiễn thì việc đưa ra một quy hoạch kể cả cấp tỉnh, cấp quốc gia có khả năng tích hợp trong một quy hoạch là rất khó khăn về mặt kỹ thuật. Với vai trò là một Bộ cung cấp toàn bộ dữ liệu, thông tin về địa lý quốc gia, làm cơ sở nền tảng cho việc tích hợp các quy hoạch, Bộ trưởng cho biết, đến nay, cũng chưa thể thực hiện được.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị, trên cơ sở thực tiễn, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường có quan điểm, quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác thực tế đều là các quy hoạch tích hợp. Tất nhiên, tích hợp phải có sự lựa chọn để đưa được các nội hàm quy hoạch một cách hợp lý. Đơn cử như quy hoạch đất đai có phần về các nội hàm mang tính chất "cứng", có những phần hoàn toàn chỉ mang tính chất chỉ tiêu. Hay nói cách khác, trong quy hoạch có phần ổn định và có phần có thể thay đổi, tức là có phần “tĩnh” và có phần “động”.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, “tĩnh” là những vấn đề mang tính chất bảo tồn, giữ các di sản thiên nhiên hoặc những dự án có thể khẳng định là có giá trị lâu dài và mang tính bền vững. Ngoài ra là phần “động”. Khi đưa vào “động” nghĩa là vừa bảo đảm yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt khác là phải theo cơ chế thị trường. Nếu đưa tất cả mục tiêu và các dự án phát triển lên một quy hoạch tích hợp là đang đi ngược lại với việc bảo đảm tính sáng tạo, phát triển của các vùng, địa phương và doanh nghiệp thể hiện qua các quy hoạch ngành.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu không làm tốt công tác quy hoạch thì đến một thời điểm việc điều chỉnh quy hoạch cấp dưới so với quy hoạch cấp trên sẽ là vấn đề hết sức khó khăn, Bộ trưởng nhấn mạnh, khi đã đầu tư thì phải xét đến vấn đề sau này ai sẽ chịu trách nhiệm và đền bù các dự án đã được triển khai ở quy hoạch dưới? Đây là một vấn đề đúng về nguyên tắc nhưng về thực tiễn thì phải xác định và xem xét.
Quy hoạch phải có tiếp cận theo hướng đồng thời nhưng phải có sự phối hợp lên - xuống. Không phải hướng đến một quy hoạch tích hợp là cả nước chỉ có một quy hoạch. Mỗi ngành, mỗi cấp đều có thể có quy hoạch và đó là phát huy tính sáng tạo nhưng trong hệ thống đó cần đưa ra những quy định để bảo đảm từ khâu xây dựng có sự phối hợp “2 lên 1 xuống”, trong quá trình điều chỉnh có trước có sau và làm rõ cấp nào xây dựng quy hoạch thì cấp đó mới điều chỉnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Quốc hội thời gian tới cần ban hành Nghị quyết tập trung giải quyết một số vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay về quy hoạch đang kìm hãm sự phát triển. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu một bộ luật xác định tên, nội hàm, nội dung và phạm vi rõ hơn về quy hoạch.
Đảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong pháp luật về quy hoạch
Chiều cùng ngày, tham gia giải trình một số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực ngành xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch năm 2017, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng mặc dù còn những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng hệ thống quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành về xây dựng và đô thị, sau khi Luật Quy hoạch được ban hành có hiệu lực, đến nay, đang được triển khai thực hiện ổn định, về cơ bản không có vướng mắc và ngày càng được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hơn. Đến nay, đã hoàn thành một khối lượng lớn các loại quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Về quy hoạch xây dựng các khu chức năng cơ bản, ông Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, hiện nay, các khu kinh tế ven biển, các khu kinh tế cửa khẩu hay các khu chức năng khác như các khu du lịch, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu giáo dục đào tạo sau khi được thành lập được đều được phê duyệt quy hoạch xây dựng theo quy định.
“Có thể nói là kể từ sau khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực, các loại quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành xây dựng và đô thị đã và vẫn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, là cơ sở đầu tiên cho việc lọc các dự án đầu tư, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội ở các vùng, các địa phương”, ông Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Về ý kiến quy hoạch chung đô thị lập theo Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh lập cho các thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch năm 2017 có sự trùng lắp, chồng chéo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng không gian, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thể hiện sự đồng tình và đánh giá rất cao việc Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề về “việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch từ từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” để giám sát tối cao trong năm 2022.
Bộ trưởng khẳng định, đây là một quyết định đúng đắn, sát thực tiễn và kịp thời, là một sự đổi mới của trong công tác giám sát của Quốc hội khóa XV, thể hiện sự chia sẻ và đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề khó, vấn đề mới, vấn đề phức tạp, giúp cho công tác điều hành của Chính phủ được thuận lợi hơn, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Qua thảo luận, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch, xuất phát từ nguyên nhân do khối lượng công việc lớn, nhiều vấn đề mới, phức tạp, từ hệ thống quy hoạch cho đến khái niệm tích hợp quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch, trình tự lập các quy hoạch, nội dung quy hoạch đến phương pháp tiếp cận, phối hợp trong công tác lập quy hoạch cũng như sự thay đổi sâu sắc về vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng lập quy hoạch trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận trách nhiệm tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo những bộ ngành liên quan, các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch.
Đồng thời, chất lượng quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu và có tính dẫn dắt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, phải khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển bền vững đất nước.