Thủ tướng dự khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022

Trong nước - Ngày đăng : 01:45, 29/05/2022

(TN&MT) - Tối 28/5, tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La long trọng tổ chức Lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.
a1(1).jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai mạc (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Dự khai mạc có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La.

a2(1).jpg

Các đại biểu dự khai mạc.

Đưa Sơn La thành trung tâm chế biến nông nghiệp vùng Tây Bắc

Phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để Sơn La và các tỉnh trong cả nước gặp gỡ, trao đổi, quảng bá tiềm năng và cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ trái cây và sản phẩm OCOP đến thị trường trong và ngoài nước; góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, những năm qua, Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 82.800 ha cây ăn quả, với sản lượng trên 450.000 tấn/năm. Có 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 241 mã số vùng trồng; hơn 5.000ha cây trồng áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; 83 sản phẩm OCOP; 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước…

a3(1).jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các gian hàng tại Festival (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thông qua các hoạt động của Festival, Sơn La mong muốn giới thiệu, quảng bá, cung cấp các thông tin cụ thể về sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ trái cây và sản phẩm OCOP tới các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh, phấn đấu đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông nghiệp vùng Tây Bắc...

Tuyên bố khai mạc Festival, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Cụ thể hóa chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; đồng hành với nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; khẳng định vị trí, giá trị và ý nghĩa khi phát huy vai trò là nhịp cầu kết nối, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển, quảng bá ngành trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, phát triển, khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo của Ban tổ chức, sự tham gia nhiệt tình và trách nhiệm của các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp, Festival sẽ thành công tốt đẹp.

Cần xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Sơn La phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, ngành, doanh nghiệp đã lựa chọn nơi đây để tổ chức Lễ hội.

a9.jpg

Quang cảnh Lễ Khai mạc.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong hơn 2 năm qua, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực nước ta. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy hiệu quả của việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó Sơn La là một điểm sáng về phát triển cây ăn trái.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018, đến nay, cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng Sơn La có 83 sản phẩm. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường...

a15.jpg

Các gian hàng nông sản tại Festival.

Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thảo luận, cho ý kiến về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí chiến lược trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH... Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng yêu cầu, để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Sơn La nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, cần tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản: xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công - tư; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

“Tôi tin tưởng rằng, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tích cực chủ động hội nhập, với ý chí "Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền" và tinh thần "Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" của người nông dân Việt Nam; cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước; nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ phát triển ngày càng vươn xa như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng căn dặn khi lên thăm Nông trường Mộc Châu, Sơn La năm 1959: Luôn luôn cố gắng - Khắc phục khó khăn - Tiến lên thật hăng - Làm tròn nhiệm vụ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

a4.jpg
a5(1).jpg
a6.jpg
a7.jpg
a11.jpg

Chương trình nghệ thuật chào mừng Festival được dàn dựng công phu, đặc sắc.

Sau phần lễ, đã diễn ra Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival, với sự tham gia của gần 2.000 người là nghệ sỹ, diễn viên chuyên và không chuyên.

Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, gồm 3 chương: Chương 1: Tinh hoa đất trời; Chương 2: Sơn La - Bừng sáng miền Tây Bắc; Chương 3: Nông sản Việt - Khát vọng hội nhập.

Với không gian nghệ thuật đặc sắc, giới thiệu cho khán giả những vùng đất, con người tại các vùng miền trong cả nước. Chương trình nghệ thuật khép lại với điểm nhấn là vòng xòe đoàn kết của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La và màn bắn pháo hoa đặc sắc, tạo dấu ấn đậm nét trong lòng du khách.

a12.jpg

Đông đảo nhân dân và du khách tham dự khai mạc.

a14.jpg

Vòng xòe truyền thống của tình đoàn kết…

a10.jpg
a13.jpg

Diễn ra từ ngày 28/5-1/6, theo BTC, tham dự Festival có trên 400 gian hàng trực tiếp và 65 gian hàng trực tuyến của các tổ chức, doanh nghiệp, HTX tới từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cùng với đó là chuỗi các sự kiện liên hoàn, bổ trợ lẫn nhau trong một chương trình tổng thể gắn với các hoạt động văn hóa lễ hội phong phú, đa dạng, hấp dẫn và ý nghĩa. Đó là: Hội thảo "Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn 2045"; Triển lãm con đường nông sản; Triển lãm trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam.

Triển lãm "Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam"; Triển lãm "Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La"; Trưng bày, triển lãm, xúc tiến thương mại hàng Việt tại Tây Bắc; Triển lãm trực tuyến trái cây và sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Ngoài ra còn tổ chức các hội thi "Ảnh đẹp về trái cây", "Tạo hình nghệ thuật từ trái cây", "Chế biến món ăn ngon từ trái cây"; và các hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực truyền thống khu vực Tây Bắc.

Nguyễn Nga