Bộ Y tế mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá

Xã hội - Ngày đăng : 14:09, 28/05/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức Chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra giám sát...
anh-1-a-khue.jpg
Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế;  Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế phát biểu khai mạc Lễ Mít tinh

Đó là chia sẻ của Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế; Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế tại Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2022 do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 28/5 tại Hà Nội.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.

Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29/4/2020, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

anh-2-ba-socorro-escalante-1-.jpg

Tiến sĩ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ về tác hại của thuốc lá

Tại Việt Nam, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, các hoạt động xây dựng nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, thành phố du lịch, khách sạn, nhà hàng không khói thuốc được triển khai nhân rộng. Lãnh đạo các Bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố đã có sự quan tâm hơn đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua sự chỉ đạo mạnh mẽ, sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các Sở, ban, ngành và tổ chức, cá nhân liên quan.

Các hoạt động thiết thực như đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động đã được nhiểu cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc cũng được triển khai như: Tổng Liên đoàn Lao động phát động phong trào thi đua “Công đoàn cơ sở không khói thuốc lá”; Bộ Nội Vụ phát động phong trào “Văn phòng Xanh”; Công đoàn Y tế phát động phong trào “Bệnh viện xanh- sạch- đẹp không khói thuốc”, Quận Hoàn kiếm triển khai mô hình “Nhà hàng, khách sạn bảo đảm an toàn thực phẩm và không khói thuốc”...

anh-3-a-dong.jpg

Ông Trần Văn Đông, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ

Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 45,3% năm 2015 xuống còn 42,3% năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

Riêng đối với tỷ lệ hút thuốc trong học sinh, kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do WHO thực hiện năm 2019 cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm gần 50%). Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.

img_9268.jpg
Quang cảnh Lễ Mít tinh

Tại buổi lễ, Tiến sĩ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá: Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe của chúng ta. Mỗi sản phẩm thuốc lá được sử dụng đều gây hại cho môi trường. Sử dụng thuốc lá thực sự đốt cháy tài nguyên và môi trường của chúng ta. Việc trồng trọt và sản xuất thuốc lá cũng đầu độc không khí, nước, đất, các bãi biển và đường phố của chúng ta bằng các chất hóa học, chất thải độc hại, tàn thuốc và vi nhựa.

Ngoài ra, trồng thuốc lá góp phần vào nạn phá rừng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, khoảng 3,5 triệu ha đất bị phá để trồng thuốc lá và 600 triệu cây bị chặt để lấy gỗ sấy nguyên liệu thuốc. Việc phá rừng dẫn đến suy thoái đất và làm giảm khả năng hỗ trợ các cây trồng khác của đất…

Bà Escalante kêu gọi tất cả những người đang hút thuốc lá cai thuốc lá và những người không hút thuốc, đặc biệt là thanh thiếu niên không bao giờ bắt đầu hút thuốc. Đối với những ai có người thân hút thuốc, hãy động viên và giúp họ cai thuốc lá.

img_9432(1).jpg
anh-4-dieu-hanh-dap-xe(2).jpg
45f0a23efa2b3a75633a.jpg
Diễu hành đạp xe không khói thuốc

Đáp lại lời kêu gọi của bà Escalante, ông Trần Văn Đông, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết: Trong những năm qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp thực hiện nhiều nội dung, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tới cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên.

Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động phong phú và phù hợp với thanh thiếu niên như: các giải thể thao không thuốc lá cho thanh niên, sinh viên; các cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa; tập huấn cho cán bộ Đoàn chủ chốt, đội ngũ báo cáo viên tại các tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; ký giao ước thi đua vận động đoàn viên, thanh niên không hút thuốc lá.

Theo ông Trần Văn Đông, thông qua truyền thông và việc tổ chức các hoạt động, đã có nhiều ý tưởng, sáng kiến phòng, chống tác hại thuốc lá trong thanh thiếu niên được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả tích cực; nhiều mô hình được triển khai hiệu quả như: mô hình “Cơ quan không khói thuốc lá”; “Chi đoàn không khói thuốc lá”; “Trường học không khói thuốc lá”… Qua đó, tổ chức Đoàn đã góp phần tích cực cùng Bộ Y tế và các tổ chức y tế thế giới kêu gọi toàn xã hội nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử.

Mai Đan