Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm

Trong nước - Ngày đăng : 20:25, 27/05/2022

(TN&MT) - Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 27/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm và tiến hành thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
2(1).jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Sau tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật giảm 1 Chương và 3 Điều

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và đã được quan tâm thảo luận, góp ý hết sức tâm huyết, trách nhiệm, với 246 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường; 10 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; 54/63 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia về dự án Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng; do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm hài hòa quyền, trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, thuận lợi trong quản lý Nhà nước, tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường bảo hiểm; chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

1(3).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ảnh: quochoi.vn

So với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương và 154 Điều (giảm 1 Chương và 3 Điều), có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bổ sung 7 Điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 33 Điều.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quy định rõ về dịch vụ bảo hiểm qua biên giới

Sau báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận tại Hội trường. Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, để có cơ sở tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật, đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến 7 vấn đề đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu như: kết cấu của dự thảo Luật; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm vi mô...

db-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, về hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm tại Điều 12, ngân sách đầu tư, cơ sở dữ liệu để quản lý doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin bên mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm là cần thiết. Tuy nhiên, Luật cũng quy định thêm doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để cùng nhà nước thực hiện. Theo đại biểu, các dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp lúc nào cũng phải có cơ sở để dự trữ phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm cho nên phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính, không thể Nhà nước đầu 100 %, tỷ lệ đóng góp sẽ do Chính phủ quy định.

Về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm theo Điều 6 quy định, dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế là cần thiết nhưng cũng phải thận trọng, có quy định rõ ràng, rành mạch, tránh trường hợp bị lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài thông qua loại hình bảo hiểm này một cách hợp pháp.

Theo đại biểu, trên thực tế đã có dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó, có bảo hiểm, nhà nước không quản lý được. Mặt khác, cũng để bảo hiểm bảo vệ cho người mua, bảo hiểm không bị lừa dối thông qua mô hình này, rất khó kiểm soát. Việc đầu tư ra nước ngoài theo Điều 113 cũng vậy, cần thận trọng để không bị lợi dụng thất thoát ngoại tệ.

Do đó, đại biểu cho rằng, phải có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật đối với các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù, có ràng buộc theo quy định của pháp luật nhưng việc đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ rất khó kiểm soát.

Theo Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, đối với chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật quy định, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đại biểu kiến nghị cần làm rõ đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích, đồng thời nêu quan điểm, việc ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm là việc làm tất yếu của các doanh nghiệp, vì vậy, nếu không xác định rõ đối tượng, mục đích, ý nghĩa khuyến khích, tạo điều kiện một cách thuyết phục thì không nên giữ quy định này.

Đối với chính sách tạo điều kiện cho việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội, đại biểu cho rằng đây là quy định đúng đắn, giúp giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn. Vì mục tiêu an sinh xã hội, khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, việc Nhà nước quan tâm, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội là rất cần thiết.

Về hợp đồng bảo hiểm, đại biểu cho rằng cần xem xét thống nhất các thuật ngữ sử dụng khi ban hành quy tắc bảo hiểm, thông tin giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm, ký kết hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.

db-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu ý kiến tại Jội trường, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Góp ý vào quy định bảo hiểm bắt buộc của dự thảo Luật, đại biểu cho biết, Điều 8 dự thảo luật quy định Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Trên cơ sở đó quy định 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc gồm Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, hiện nay có ít nhất là 20 luật quy định về mua bảo hiểm bắt buộc, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường. Thực tế hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra rất là phức tạp, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề thì đã có 45% làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hơn 30% làng nghề cũng trong tình trạng ô nhiễm. Đại biểu cho rằng, bảo hiểm bắt buộc về môi trường là vấn đề nóng, cấp thiết, liên quan trực tiếp tới lợi ích công cộng, môi trường, an toàn xã hội. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này cần phải bổ sung quy định bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định bảo hiểm bắt buộc tại một số chuyên ngành bởi các quy định trong luật chuyên ngành do các bên tự thỏa thuận, khó khả thi trong thực tiễn.

Thanh Tùng