Phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ TN&MT là mô hình điểm, đi vào chiều sâu
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 13:52, 27/05/2022
Báo Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Trường Đại học TN&MT Hà Nội tổ chức Lễ Mít tinh này. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ TN&MT tham dự buổi Lễ.
Dự Lễ Mít tinh còn có đại diện lãnh đạo và thành viên tham gia hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TN&MT, lãnh đạo, viên chức, người lao động của Báo TN&MT, các cán bộ giáo viên và đông đảo sinh viên của Trường Đại học TN&MT Hà Nội.
Triển khai hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đến từng đơn vị
Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay (31/5), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Thuốc lá – mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” nhằm thông tin tới cộng đồng những tác hại của thuốc lá đối với môi trường. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường sống và làm việc.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Tại Bộ TN&MT, công tác phòng chống tác hại thuốc lá luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai đến từng đơn vị, đặc biệt là việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Bộ TN&MT và các đơn vị đều thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ công chức, viên chức, người lao động, như xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, đăng tải các có nội dung về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên Cổng Thông tin điện tử, Báo, Tạp chí của Bộ; thường xuyên tuyên truyền cập nhật các tin tức, văn bản, quy định pháp luật mới liên quan về phòng, chống tác hại thuốc lá, các mô hình, sáng kiến hay của các tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá... Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đã xây dựng thành công mô hình “Văn phòng xanh không khói thuốc”, “Học đường không khói thuốc”…
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị và kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên thanh niên Bộ tiếp tục tăng cường quán triệt, phổ biến và thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng chống thuốc lá; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại các đơn vị.
Đồng thời, Lãnh đạo các đơn vị gương mẫu thực hiện quy định không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc; các đơn vị đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua của cán bộ, viên chức, người lao động; có hình thức động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Ngoài ra, tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống tác hại thuốc lá; lồng ghép tuyên truyền xây dựng “môi trường không khói thuốc” và gương điển hình trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá....; có những hành động thiết thực để từ bỏ thuốc lá, tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè từ bỏ sử dụng, buôn bán các sản phẩm thuốc lá nhằm hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc xanh, trong lành và khỏe mạnh.
Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, cả nước hiện có 1.400 bệnh viện, 70% người bệnh vào bệnh viện là những người mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, trong đó nguyên nhân chính là do số người người hút thuốc lá và uống rượu bia rất cao. Hiện nay, trong số 43,2% nam giới ở độ tuổi trưởng thành, gần như cứ 2 người thì có 1 người đang hút thuốc.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê ghi nhận sự nỗ lực của Bộ TN&MT trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thời gian qua, đồng thời đánh giá đây là mô hình điểm, có thể lan tỏa và đi vào chiều sâu. Ông cam kết, Bộ Y tế, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ luôn đồng hành với Bộ TN&MT cũng như các đơn vị thuộc Bộ thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Quyết liệt xây dựng môi trường giảng dạy không khói thuốc
PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá, cần sự chung tay, đoàn kết của các cơ quan, cộng đồng. “Chính các bạn là thầy thuốc trong lĩnh vực y tế! Nếu ở đâu cũng quyết liệt triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá như Bộ TN&MT thì chắc chắn Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và việc xây dựng môi trường không khói thuốc sẽ đạt được kết quả rất tốt”, ông nhấn mạnh.
Là một trong những đơn vị quyết liệt trong công tác phòng, chống thuốc lá của Bộ TN&MT, Trường Đại học TN&MT Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người học, người dạy về tác hại của thuốc lá. Ông Lê Trung Kiên - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: Trường hiện có hơn 13.000 sinh viên và hơn 800 cán bộ, giảng viên và người lao động. Việc xây dựng môi trường không khói thuốc có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng dạy và học. Trong những năm qua, nhằm xây dựng môi trường giảng dạy không khói thuốc, Nhà trường đã có những giải pháp cụ thể.
Theo đó, Nhà trường duy trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn để 100% cán bộ, viên chức, người lao động và người học trong Trường hiểu biết về tác hại của thuốc lá và quy định của Luật này.
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường đã phối hợp với các tổ chức Đảng, đoàn thể tiếp tục tăng cường quán triệt triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá, Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá của Bộ và các cơ quan, đơn vị.
Trường đã nâng cao vai trò của các tổ chức Đoàn thể như Công Đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh trong cuộc vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá; không hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc; đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy, quy chế nội bộ của đơn vị; phát động phong trào thi đua “Môi trường công sở không khói thuốc”, “ giảng đường không thuốc lá”…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đã có những kết quả tích cực, cả về cơ chế, chính sách và công tác tư vấn, cai nghiện… Nhờ vậy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá đã giảm từ 22,5% năm 2015 xuống còn 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 45,3% năm 2015 xuống còn 42,3% năm 2020. Tỷ lệ học sinh độ tuổi 13-17 hút thuốc lá cũng giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019.