Quảng Ninh: Bảo vệ nguồn nước để phát triển bền vững
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:32, 26/05/2022
Để giải bài toán này, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xây dựng "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Quảng Ninh hiện có 4 con sông lớn, gồm: Sông Đá Bạc, sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Ngoài 4 sông lớn trên, Quảng Ninh còn có 11 sông nhỏ, chiều dài từ 15-35km, diện tích lưu vực thường nhỏ hơn 300km2, được phân bố dọc theo bờ biển.
Trong khi việc quản lý, bảo vệ hệ thống sông, suối đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với đảm bảo an ninh nguồn nước. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, sụt lún đất đã và đang xảy ra tại một số địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay, những cánh rừng và thảm phủ rừng là nhân tố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên đang đối mặt với tình trạng suy giảm dẫn đến mất tầng trữ nước bề mặt, xói mòn đất làm tăng nguy cơ lũ lụt vào mùa mưa bão.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh có 188 hồ chứa nước, trong đó 172 hồ đang hoạt động, 4 hồ đang xây dựng, 12 hồ không còn hoạt động. Tổng dung tích hữu ích khoảng 325,5 triệu m3/năm. Tổng lượng nhu cầu nước khai thác, sử dụng hàng năm của tỉnh hiện tại vào khoảng 469 triệu m3/năm. Trong đó, lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm 50,49%, nước cho công nghiệp chiếm 30,83%, nước cho sinh hoạt 16,33% và nước cho môi trường 2,35%.
Những năm gần đây, Quảng Ninh có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh với hàng loạt dự án lớn về hạ tầng giao thông, đô thị lớn được triển khai xây dựng, áp lực gia tăng dân số dẫn đến gia tăng nhu cầu sử dụng nước. Cùng với đó, trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, một số địa phương sẽ đối mặt với tình trạng không cân đối được nguồn nước tại chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực tế những năm gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Để giải bài toán về đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt cho phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương triển khai xây dựng "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, với sự tính toán của các nhà khoa học, phạm vi thực hiện của đề án sẽ là toàn bộ phần đất liền, các đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, đảo có dân sinh sống, đảo có thể phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đề án sẽ tập trung thực hiện các nội dung như: Đánh giá hiện trạng nguồn nước, hiện trạng quản lý các công trình hồ chứa nước; tính toán cân bằng nguồn nước đối với từng phân khu, phân vùng, để xác định nhu cầu sử dụng nước trong từng giai đoạn; tình trạng thừa, thiếu nước sau khi xây dựng bổ sung các công trình. Từ đó, đưa ra các nhóm nhiệm vụ gắn với các kịch bản phát triển, khai thác nguồn nước.
Đồng thời, đề án cũng sẽ đánh giá cụ thể, chi tiết về tính hiệu quả phát triển kinh tế- xã hội giữa việc đầu tư xây dựng hồ chứa mới với việc nâng cấp, cải tạo các hồ đã có, trong đó ưu tiên phương án tận dụng, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có, tận dụng khai trường mỏ sau khai thác cải tạo thành hồ chứa, cập nhật thêm đề án bảo vệ môi trường để có những giải pháp bảo vệ nguồn nước hiệu quả.
Trong đó, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ đầu tư xây dựng mới nhiều hồ chứa nước. Cụ thể, khu vực phía Tây TP.Hạ Long - TP.Uông Bí - TX.Quảng Yên dự kiến đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hoành Bồ thêm 10.000m3/ngày đêm, xây dựng tuyến ống hòa mạng với mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Đồng Ho; huyện Ba Chẽ sẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm, dung tích 1,2 triệu m3; huyện Hải Hà sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ Tài Chi, dung tích 7 triệu m3 và hồ Quảng Thành dung tích 5 triệu m3...
Còn tại khu vực phía Đông TP.Hạ Long và TP.Cẩm Phả đề xuất triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả, với tổng kinh phí dự kiến đầu tư xây mới các hồ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, tỉnh Quảng Ninh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm với tổng kinh nhu cầu phí gần 1.000 tỷ đồng.
Cùng với việc triển khai đề án, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, bảo vệ hệ sinh thái rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước, cũng như nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.