Quản lý, bảo vệ môi trường tại Sơn La: Đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát
Môi trường - Ngày đăng : 06:10, 26/05/2022
Kiểm soát môi trường các khu, cụm công nghiệp
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 Khu công nghiệp (KCN) Mai Sơn với 5 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất. Qua quan trắc tại 5 vị trí với 14 thông số cho thấy: Chất lượng môi trường không khí tại KCN cơ bản ổn định, hầu hết các thông số nằm trong giới hạn cho phép. Chất lượng môi trường nước mặt tại 3 điểm quan trắc trên suối Nậm Pàn với 23 thông số cũng đều nằm trong giới hạn cho phép.
Hiện nay, trong các cơ sở, phát sinh nước thải lớn nhất từ Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La, Dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, được UBND tỉnh cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Nước thải phát sinh sau xử lý được tuần hoàn tái sử dụng khoảng 80%. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trong KCN, nước thải phát sinh chủ yếu là nước thải sinh hoạt, được xử lý trước khi xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, KCN Mai Sơn đang xây dựng Hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 2.500 m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2022. UBND tỉnh đang bố trí nguồn kinh phí để đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục cho Hệ thống, truyền dữ liệu về Sở TN&MT để kiểm soát chất lượng nước thải.
Về chất thải rắn công nghiệp phát sinh trong sản xuất, kinh doanh khoảng 1.342 tấn/tháng. Trong đó, chủ yếu là chất thải rắn sản xuất tại Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La, phát sinh trong niên vụ sản xuất khoảng 4 - 5 tháng/năm và được Công ty ký hợp đồng chuyển nhượng cho các đơn vị khác làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 1,2 tấn/tuần, các đơn vị đã thu gom, tập kết, được vận chuyển, xử lý với tần suất 4 lần/tháng. Chất thải nguy hại được thu gom, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý.
Còn với 2 cụm công nghiệp (CCN) Gia Phù và Mộc Châu, chưa được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải. Song số cơ sở đang hoạt động ít, đặc thù loại hình sản xuất có lượng nước thải phát sinh không đáng kể, chủ yếu là nước thải sinh hoạt, đã thu gom và xử lý trước khi xả ra môi trường. Chất thải rắn công nghiệp thông thường đã thu gom và hợp đồng với đơn vị đủ chức năng để xử lý.
Đồng bộ các nhóm giải pháp
Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Trong năm 2021, công tác bảo vệ môi trường đã được tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả với nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn, chú trọng ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư cũng như xem xét, lựa chọn, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận cam kết bảo vệ môi trường nhằm ngăn chặn các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Năm 2021, UBND tỉnh đã thẩm định và phê duyệt 7 báo đánh giá tác động môi trường; kiểm tra xác nhận công trình bảo vệ môi trường 3 dự án; kiểm tra 83 dự án, xử phạt 8 dự án với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn trong năm qua là tỉnh đã chủ động thay đổi phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa. Chủ động kiểm tra, giám sát chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động xả thải; đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục - camera giám sát truyền trực tiếp qua App điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhật, không phân biệt không gian và thời gian giám sát, sẵn sàng kiểm tra, lấy mẫu đối chứng để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm về môi trường.
Cùng với đó, giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh của nhân dân về ô nhiễm môi trường; không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm; giám sát, đôn đốc các cơ sở xả thải lớn xây dựng hệ thống quan trắc tự động, liên tục và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý Nhà nước để xây dựng hệ thống dữ liệu và quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Gắn trách nhiệm BVMT với trách nhiệm người đứng đầu
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên UBND tỉnh triển khai ký cam kết tăng cường vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Bằng những cách làm, giải pháp sáng tạo, hiệu quả, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã có bước tiến mới, góp phần đảm bảo mục tiêu: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tín hiệu tích cực từ các chỉ tiêu về môi trường
Theo số liệu tổng hợp từ Sở TN&MT tỉnh, đến hết năm 2021, trên 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên toàn tỉnh được thu gom; 56% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng; 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom; 13% số đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thu gom, xử lý...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tại một số địa phương vẫn còn hạn chế trong kiểm tra, giám sát, chưa ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Biên chế hành chính cho cơ quan quản lý môi trường các cấp còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa đồng đều. Tại các xã, phường, công tác quản lý môi trường chủ yếu do công chức địa chính kiêm nhiệm, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế.
Năm 2022, là năm Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản định hướng, triển khai nhiều hoạt động để đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm. Nâng cao chất lượng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đề án bảo vệ môi trường, chất lượng quan trắc môi trường. Triển khai thực hiện dự án Tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh; lắp đặt Hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục làm căn cứ theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường.
Xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường. Xử lý triệt để, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chú trọng đến các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi, khai thác khoáng sản, thủy điện; các dự án trong hành lang bảo vệ nguồn nước... Vận hành hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tiếp tục chỉ đạo UBND cấp huyện tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Gắn trách nhiệm quản lý môi trường trên địa bàn với trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra ô nhiễm thành điểm nóng tập trung đông người, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân.