Cao Bằng: Quản lý, bảo vệ tài nguyên nước ngầm
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 06:09, 26/05/2022
Gia đình chị Nông Thị Luyện - xã Nam Tuấn, huyện Hòa An (Cao Bằng), hiện sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Được vay 20 triệu đồng từ Chương trình nước sạch của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Luyện quyết định làm giếng khoan để phục vụ sinh hoạt trong gia đình và sử dụng vào tưới tiêu, chăn nuôi.
“Từ nguồn nước ngầm này, gia đình tôi cũng đã tiết kiệm một phần chi phí trong cuộc sống và sản xuất chăn nuôi thuận tiện hơn. Tôi thấy, nước ngầm không chỉ có những lợi ích trực tiếp đối với người dân, mà nước ngầm còn đóng vai trò quan trọng với tự nhiên khi góp phần ổn định dòng chảy sông ngòi, đồng thời, giúp cố định các lớp đất đá bên trên, tránh các hiện tượng sạt lở hay sụt lún đất. Chính vì vậy, theo tôi việc chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này là vô cùng quan trọng”. Chị Nông Thị Luyện chia sẻ.
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng, nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện được bảo vệ tương đối tốt, không xảy ra các sự cố như: Sụt lún, biến dạng địa hình do khai thác nước dưới đất hay sự cố ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Việc khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các hộ gia đình, tuy lưu lượng nhỏ nhưng số lượng giếng khoan lại rất lớn, tập trung chủ yếu tại các huyện có vùng núi cao, không có nước mặt như: Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa… Tỉnh Cao Bằng hiện có 9 công trình khai thác nước dưới đất thuộc diện cấp giấy phép, với tổng lưu lượng khai thác 2.834m3/ngày đêm, trong đó, có 8 công trình cấp nước tập trung. Việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn TNN không chỉ đem lại lợi ích cho mỗi gia đình, mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này.
Ông Đàm Văn Riểm - Phó Giám đốc Sở TN&MT Cao Bằng cho biết, nhằm nâng cao công tác quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn TNN, đặc biệt là nước ngầm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về bảo vệ TNN thông qua các hoạt động kỷ niệm Ngày Nước Thế giới, Ngày Môi trường Thế giới hằng năm.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các chương trình, dự án về điều tra, đánh giá và bảo vệ TNN như: Xây dựng, triển khai giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Bằng, sông Hiến trên địa bàn các huyện: Hòa An, Thạch An, Nguyên Bình…; lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt 15 vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với các cơ sở cung cấp nước sạch tập trung; điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt tại 25 xã trên địa bàn 6 huyện của tỉnh Cao Bằng. Tiến hành công tác điều tra, đánh giá TNN dưới đất tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000, với diện tích 1.006/6.7003km2 diện tích tự nhiên của tỉnh; tìm kiếm và khoan được trên 30 giếng khoan với chất lượng và lưu lượng nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân tại các khu vực khan hiếm, thiếu nước sinh hoạt.
Bảo vệ TNN được xem là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững. Đặc biệt, nguồn nước ngầm đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người. Do đó, Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ TNN, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững TNN của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới mặt đất, giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nước dưới đất. Thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tổ chức rà soát và thực hiện xử lý, trám lấp giếng khoan không sử dụng.
Nguồn nước ngầm khi bị khai thác quá mức sẽ làm suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng đất đai sụt lún và có nguy cơ cạn kiệt nước ngầm. Vì vậy, bảo vệ nguồn nước ngầm không chỉ là những quy định của hệ thống pháp luật mà cần phải trở thành thói quen, ý thức của mỗi người dân bằng cách sử dụng tiết kiệm nước, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ nguồn nước nói riêng.