“Ngoại giao khí hậu” góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:08, 26/05/2022

(TN&MT) - Việt Nam đang đẩy mạnh “ngoại giao khí hậu” nhằm thúc đẩy huy động hỗ trợ quốc tế phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và thực hiện cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng “0”, nâng vai trò, vị thế, thể hiện sự chủ động tham gia, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương và trên trường quốc tế. PV Báo TN&MT đã phỏng vấn ĐBQH Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về vấn đề này.

PV: Là người đã tham gia nhiều kỳ họp của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP) và trực tiếp tham dự Kỳ họp COP26, xin ông cho biết điểm mấu chốt của các kỳ họp là gì?

3(2).jpg

ĐBQH Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Ông Phạm Phú Bình:

Các kỳ họp COP là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. COP26 được tổ chức tại Glasgow vào cuối năm 2021 trong bối cảnh tình trạng BĐKH tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các nước và sinh kế của người dân, đòi hỏi các quốc gia phải hành động khẩn trương, mạnh mẽ và tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động để đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về BĐKH.

Điểm mấu chốt của các kỳ họp là các nước trên thế giới cùng tìm ra một tiếng nói chung trong việc thực hiện các biện pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21; Đảm bảo duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5oC trong giai đoạn công nghiệp hóa; Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; Đảm bảo quỹ tài chính về BĐKH; Lên kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định Paris 2015 về BĐKH cũng như thảo luận những khả năng hợp tác về đối phó và thích ứng với BĐKH. Đây cũng là cơ hội để các nước phát triển thấy rõ hơn nguy cơ và sức ảnh hưởng của BĐKH đến những nước nghèo hơn và gia tăng hỗ trợ để họ có thể đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc về BĐKH.

PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác và làm việc tại Hoa Kỳ với nhiều nội dung, trong đó đặc biệt chú ý việc tìm kiếm các đối tác và sự hỗ trợ từ Mỹ và các nước cho hoạt động ứng phó BĐKH tại Việt Nam, ông có nhận xét gì về chuyến đi này?

Ông Phạm Phú Bình:

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp này mang nhiều ý nghĩa quan trọng và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, đặc biệt là cam kết Việt Nam đưa ra tại COP26 về mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” tới năm 2050. Điều này đã thể hiện mạnh mẽ vai trò, sự chủ động chung tay đóng góp của Việt Nam trong nỗ lực của toàn cầu ứng phó với BĐKH, đồng thời cho thấy, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn trong các cơ chế hợp tác đa phương và trên trường quốc tế. Một trong những yếu tố tiên quyết để Việt Nam có thể đạt được cam kết này là có được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, vì vậy “ngoại giao khí hậu” cần được coi là công cụ hữu hiệu giúp chúng ta có được sự hỗ trợ quý báu này.

Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ vào tháng 5/2022 vừa qua tiếp tục thể hiện rõ hành động “ngoại giao khí hậu” qua các thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại nhiều cuộc tiếp xúc và làm việc trong chương trình nghị sự của chuyến thăm. Tại cuộc họp ASEAN - Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã đề cao nỗ lực của các nước, hợp tác ứng phó BĐKH thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển năng lượng tái tạo. Đây sẽ là một trong những lĩnh vực chủ đạo trong quan hệ hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ nói chung và Việt Nam - Hoa Kỳ nói riêng trong thời gian tới, qua đó sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng sạch, xây dựng hạ tầng chất lượng cao, hướng tới phát triển xanh, bền vững và một nền kinh tế tuần hoàn.

t3.jpg

PV: Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối của Chính phủ về BĐKH, ông có đánh giá gì về vai trò của Bộ TN&MT đang thực hiện, đặc biệt là vai trò điều phối và “ngoại giao khí hậu” của Việt Nam trong quá trình đàm phán, thông qua chuyến đi Hoa Kỳ cùng Thủ tướng mới đây của Bộ trưởng Bộ TN&MT?

Ông Phạm Phú Bình:

Việt Nam là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế, lại chịu nhiều tác động nặng nề của BĐKH, nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH toàn cầu. Đây cũng có thể coi là một thách thức lớn đối với Việt Nam, trong đó khó khăn nhất sẽ là khả năng huy động được nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đầu tư cho chuyển đổi mô hình phát triển giảm phát thải.

Trong đoàn thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã làm việc với một số đối tác cụ thể để tìm kiếm hợp tác về chuyển giao công nghệ, chia sẻ tri thức, đóng góp tài chính.

Tôi cho rằng, chuyến công tác tới Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ cũng như các hoạt động cụ thể của Bộ trưởng Trần Hồng Hà chính là những hành động cụ thể đẩy mạnh “ngoại giao khí hậu” nhằm thúc đẩy huy động hỗ trợ quốc tế phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH và giúp thực hiện được cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng “0”, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế và thể hiện sự chủ động tham gia, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương và trên trường quốc tế.

Các hoạt động này chính là bước triển khai cụ thể ở cấp cao chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.”

Với những hoạt động trên, một lần nữa, chúng ta khẳng định thông điệp mạnh mẽ tới tất cả bạn bè quốc tế về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những thách thức chung toàn cầu, trong đó thách thức lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là BĐKH, qua đó thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, mà Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khương Trung (thực hiện)