Đà Nẵng: Cấp thiết quy hoạch bãi tập kết cát, sỏi

Khoáng sản - Ngày đăng : 13:17, 25/05/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, tại huyện Hoà Vang nói riêng và TP. Đà Nẵng nói chung tồn tại nhiều điểm tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) trái phép, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Thực trạng này cũng có nguyên nhân từ bất cập Đà Nẵng thiếu các bến, bãi tập kết VLXD theo quy hoạch.

Sau khi báo TN&MT có bài viết “Đà Nẵng: Dai dẳng xử lý các bãi tập kết cát trái phép” phản ánh tình trạng hàng loạt các bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn huyện Hoà Vang, địa phương đã tiến hành kiểm tra, rà soát theo phản ánh. Theo báo cáo của phòng TN&MT huyện Hoà Vang, hiện trên địa bàn 11 xã có 29 bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi, trong đó có 18 bến bãi trên tập kết trên đất ở và 11 vị trí đang tập kết trên đất do UBND xã quản lý.

Đến thời điểm hiện tại có 4 vị trí di dời xong, 12 vị trí đang tiến hành di dời (khối lượng cát tại các vị trí còn lại các chủ hộ đang tiếp tục di dời) còn lại 6 vị trí chưa tiến hành việc di dời; có 4 vị trí không có giấy phép kinh doanh; 25 vị trí có giấy phép kinh doanh được UBND huyện Hòa Vang cấp.

cat1.jpg
Trên địa bàn huyện Hoà Vang hiện có 29 bãi tập kết cát, sỏi trái phép

Ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang cho biết: Hiện trên địa bàn có 4 bãi tập kết trái phép, trong đó có hộ kinh doanh Nguyễn Thị Duyên ở dưới chân Cầu Đỏ đã quá thời hạn di dời. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, địa phương đã mời các hộ này đến làm việc và yêu cầu khắc phục các vi phạm về môi trường, đề nghị không nhập thêm cát, chỉ được chuyển hết cát ra khỏi khu vực để bàn giao mặt bằng cho địa phương. 

Theo ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, cách đây 10 năm chính quyền không cho người dân tập kết cát ven sông để tránh tình trạng lợi dụng lén khai thác, nhưng sau đó xuất phát từ nhu cầu mua bán vật liệu xây dựng, người dân đã tự thuê các bãi đất trống để tập kết cát. Qua kiểm tra, hầu hết các bến bãi tập kết cát đều có giấy phép kinh doanh và hóa đơn mua bán với đơn vị cung cấp.

Cũng theo ông Khoa, huyện Hoà Vang có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều dự án động lực đang triển khai. Việc dự trữ vật liệu xây dựng để cung cấp cho các dự án, công trình là nhu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó người dân có nhu cầu sửa chữa, xây dựng nhà cửa nhỏ lẻ không thể chạy vào tận Quảng Nam để mua cát. Tuy nhiên, hiện nay địa phương vẫn thiếu các bến, bãi tập kết cát theo quy hoạch. Đây là bất cập mà huyện đã kiến nghị với chính quyền thành phố lâu nay.

“Chúng tôi đã làm báo cáo và đề xuất thành phố quy hoạch các bãi tập kết cát để cung cấp cho thị trường xây dựng trên địa bàn nói chung. Trước mắt, huyện Hoà Vang, phòng TN&MT huyện đã tham mưu với thành phố cho phép người dân sử dụng tạm thời mặt bằng hiện tại, giao cho UBND xã quản lý để giám sát các vấn đề về môi trường, giao thông và chờ chủ trương mới của thành phố, chứ giờ mà ngăn cấm hết thì thị trường VLXD sẽ đứt gãy, đơn giá sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng của người dân”, ông Khoa kiến nghị.

cat3.jpg
Hiện nay nhu cầu mua bán VLXD trên địa bàn huyện Hoà Vang là rất lớn, cấp thiết phải quy hoạch các bãi tập kết đúng quy định

Những động thái từ phía chính quyền huyện Hoà Vang trong chấn chỉnh hoạt động kinh doanh cát sỏi tự phát là hết sức tích cực, đầy trách nhiệm. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận việc tồn tại rất nhiều bãi tập kết cát sỏi trái phép nhưng không xử lý đứt diểm trong thời gian dài cho thấy công tác quy hoạch, quản lý vẫn còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Do đó, ngoài việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối những tổ chức, cá nhân kinh doanh cát sỏi tự phát gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, địa phương cần sớm quy hoạch bến, bãi tập kết cát, sỏi, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thành phố, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường cũng như tạo thuận tiện cho người dân mua vật liệu xây dựng.

Lan Anh