Địa phương có thể báo cáo trực tuyến giám sát, đánh giá biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:30, 24/05/2022
Thông tin được đưa ra tại chuỗi Hội thảo Đào tạo sử dụng giao diện trực tuyến cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu - Phổ biến khung giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu, do Cục Biến đổi khí hậu tổ chức ngày 24/5, tại Hà Nội. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, việc xây dựng giao diện trực tuyến cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có thể kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin về biến đổi khí hậu, phục vụ quản lý và sản xuất, tăng cường khả năng thích ứng với các tác động của BĐKH trên toàn quốc.
Cơ sở dữ liệu hiện nay gồm có: Dữ liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn; Kịch bản biến đổi khí hậu; dữ liệu liên quan đến BĐKH trong các lĩnh vực y tế, giao thông, nông nghiệp, tài nguyên môi trường; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các Ban, Bộ, ngành và địa phương.
Khi hệ thống giao diện trực tuyến CSDL về BĐKH đi vào hoạt động sẽ giúp quản lý hiệu quả hơn nhờ khả năng chia sẻ dữ liệu cao, có thể liên thông, kết nối với các hệ thống khác, dễ nâng cấp và mở rộng. Người dùng hoàn toàn có thể sử dụng các thông tin dữ liệu phục vụ cho việc triển khai Chiến lược quốc gia thích ứng với BĐKH, lồng ghép nội dung thích ứng vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành và địa phương. Từ đó, tăng cường phối hợp giữa các bên trong quản lý và triển khai hoạt động thích ứng.
Giới thiệu về hệ thống giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia, TS. Nguyễn Văn Tuệ, chuyên gia về biến đổi khí hậu cho biết, Hệ thống được ban hành theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 22/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu nhằm cung cấp cơ sở cho việc quản lý, điều phối và nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH và công tác quản lý Nhà nước về BĐKH.
Sáu nội dung phải thực hiện giám sát, đánh giá bao gồm: Công tác quản lý Nhà nước về BĐKH; Tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng với BĐKH trong các lĩnh vực; Giảm nhe rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH; Nguồn lực cho thích ứng với BĐKH; Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế; Đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
Theo quy định, định kỳ hằng năm, bắt đầu từ năm 2022, các Bộ, ngành, địa phương sẽ phải lập báo cáo giám sát, đánh giá hằng năm và gửi Bộ TN&MT tổng hợp, lập báo cáo quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu sẽ phối hợp với các chuyên gia xây dựng hướng dẫn thực hiện báo cáo này, từ khâu thu thập thông tin số liệu, cách thức tổng hợp và báo cáo. Hệ thống báo cáo trực tuyến hiện đã được lồng ghép vào cơ sở dữ liệu trực tuyến về BĐKH nên các đơn vị có thể truy cập để tham khảo nội dung và các bước thực hiện.
Tại Hội thảo, đơn vị phát triển giao diện trực tuyến đã hướng dẫn đại diện cơ quan đầu mối thuộc các Bộ, các Sở TN&MT cách thức sử dụng cơ sở dữ liệu trực tuyến, hệ thống báo cáo giám sát và đánh giá trực tuyến. Nhìn chung, các đại biểu đánh giá hệ thống này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí; có thể cập nhật, chỉnh sửa, quản lý thông tin báo cáo dễ dàng, thuận tiện cho việc thống kê, lưu trữ. Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận những vướng mắc cần giải quyết xung quanh việc triển khai Quyết định số 148/QĐ-TTg để có thể thực hiệu quả công tác giám sát, đánh giá.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tham vấn các cơ quan liên quan để hoàn thiện cơ sở dữ liệu trực tuyến, làm việc với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam để cập nhật bản đồ nền và lấy ý kiến địa phương trong vấn đề quản lý, phân quyền trên hệ thống.