Năng lượng tái tạo đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng khí hậu
Thế giới - Ngày đăng : 10:42, 24/05/2022
Thời tiết khắc nghiệt gây thiệt hại lớn
Trong những tuần gần đây, thời tiết khắc nghiệt tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người, điển hình như hạn hán ở vùng đất Sừng châu Phi, lũ lụt ở Nam Phi, nắng nóng khắc nghiệt ở Ấn Độ và Pakistan.
Báo cáo Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021 của WMO cho thấy, thời tiết khắc nghiệt do BĐKH đã gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống của con người, bao gồm những tác động tiêu cực cho an ninh lương thực và nước, dẫn đến tổn thất hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Báo cáo cũng mô tả những dấu hiệu cho thấy hoạt động của con người đang gây hại như thế nào trên hành tinh, đồng thời xác nhận 7 năm qua là giai đoạn nóng nhất từ trước đến nay với nhiệt độ toàn cầu vào năm 2021 vượt khoảng 1,1°C so với mức tiền công nghiệp.
Ông Petteri Taalas - người đứng đầu WMO cảnh báo: “Sức nóng từ phát thải khí nhà kính sẽ khiến hành tinh ngày càng nóng lên. Ngoài ra, mực nước biển dâng, sức nóng của đại dương và quá trình axit hóa sẽ tiếp tục tăng cao trong hàng trăm năm nữa nếu không sớm tìm ra phương án loại bỏ carbon khỏi khí quyển”.
Kế hoạch cho năng lượng tái tạo
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres gọi bản báo cáo này là “lời cầu nguyện ảm đạm cho sự thất bại của nhân loại trong việc giải quyết tình trạng BĐKH”, đồng thời cho rằng, năng lượng tái tạo chính là “phao cứu sinh” trước mắt để ngăn chặn tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu trong thời điểm này.
Các năng lượng như gió và mặt trời luôn sẵn có và hầu như luôn rẻ hơn than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác. Người đứng đầu LHQ đã đề xuất 5 hành động mà ông gọi là “dự án hòa bình của thế kỷ 21" để bắt đầu quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thứ nhất, coi công nghệ năng lượng tái tạo là “hàng hóa công cộng” thiết yếu trên toàn cầu. Ông Guterres kêu gọi một liên minh toàn cầu mới về lưu trữ pin do các chính phủ dẫn đầu và tập hợp các công ty công nghệ, nhà sản xuất và nhà tài chính để sớm triển khai kế hoạch này.
Thứ hai, đảm bảo, mở rộng quy mô và đa dạng hóa nguyên liệu cho công nghệ năng lượng tái tạo. Chuỗi cung ứng cho năng lượng tái tạo và nguyên liệu thô tập trung ở một số ít quốc gia và cần có sự phối hợp quốc tế để khắc phục trở ngại này.
Thứ ba, xây dựng khuôn khổ và cải cách các cơ quan quản lý về nhiên liệu hóa thạch. Các chính phủ cần hợp lý hóa việc phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời và gió, hiện đại hóa lưới điện và đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo khả thi nhất cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Thứ tư, dừng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Mỗi năm, các chính phủ trên thế giới dành khoảng 500 tỷ USD cho nhiên liệu hóa thạch - cao hơn gấp ba lần mức trợ cấp dành cho năng lượng tái tạo. Ông Guterres nhận định: “Trong khi người dân phải chịu cảnh giá xăng tăng cao thì ngành dầu khí lại thu về tiền tỷ. Vụ bê bối này phải dừng lại”.
Thứ năm, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo gấp 3 lần so với trước đây. Tổng thư ký nhấn mạnh: "Đã đến lúc bắt đầu chuyển đổi năng lượng tái tạo trước khi quá muộn".