TP.HCM thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH: Thúc đẩy tiến độ các chương trình, dự án
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:40, 24/05/2022
Nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH
Theo UBND TP.HCM, TP.HCM là địa phương dễ bị tổn thương do tình trạng BĐKH, nước biển dâng. Nhiệt độ trung bình của TP.HCM tăng 0,7 độ C trong thời gian từ 1978 - 2011. Về lượng mưa từ 1993 - 2011 khu vực ven đô thị về phía Tây và Tây Nam gia tăng trên 100 mm. Đặc biệt, tại TP.HCM, hiện tượng mưa cực đoan ngày càng xảy ra với tần suất nhiều hơn. Đồng thời, tình trạng ngập lụt do triều cường đang là nghiêm trọng, gây nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông đô thị, sinh hoạt của người dân.
Trong tương lai, theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT công bố năm 2016: với kịch bản BĐKH trung bình, nhiệt độ của TP.HCM sẽ tăng 1,9 độ C vào năm 2100; theo kịch bản BĐKH cao, nhiệt độ của TP.HCM sẽ tăng 3,5 độ C. Về nước biển dâng, đến năm 2100, mực nước biển dâng trung bình là 54cm. Theo kịch bản ngập lụt TP.HCM thì nếu nước biển dâng 100cm thì 17% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập, trong đó quận Bình Thạnh bị ngập khoảng 80,78%, huyện Bình Chánh ngập khoảng 35,43%...
Nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH có tính lâu dài, thời gian qua, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch liên quan đến ứng phó với BĐKH. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH do Thủ tướng Chính phủ ban hành, ngày 20/10/2020, UBND TP.HCM ra Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2030, TP.HCM sẽ triển khai 56 chương trình, dự án để thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ chính: giảm phát thải khí nhà kính; thích ứng với BĐKH; chuẩn bị nguồn nhân lực.
Trong đó, nhóm nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính, TP.HCM sẽ thực hiện 26 chương trình, dự án, trong đó có 23 chương trình, dự án lồng ghép và 3 dự án mới do 10 sở, ban, ngành chủ trì; nhóm nhiệm vụ thích ứng với BĐKH gồm 24 chương trình, dự án, trong đó có 16 chương trình, dự án lồng ghép và 8 chương trình, dự án mới do 12 sở, ban, ngành chủ trì; nhóm nhiệm vụ chuẩn bị nguồn nhân lực gồm 6 chương trình, dự án do 5 sở, ban, ngành chủ trì.
Giảm 10% phát khải khí nhà kính vào năm 2030
Ngày 08/9/2021, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP.HCM xác định nhiệm vụ ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn. TP.HCM đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.
Để thực hiện thành công 3 nhiệm vụ trọng tâm trên, TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn thành phố; đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời, huy động sự đóng góp của cộng đồng quốc tế và trong nước để thực thiện Thỏa thuận Paris. Đặc biệt, TP.HCM sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ tài chính, công nghệ, kinh nghiệm trong ứng phó với BĐKH, đặc biệt là việc triển khai cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH.
Tháo gỡ vướng mắc
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, triển khai Kế hoạch thực thiện Thỏa thuận Paris trên địa bàn TP.HCM, trong 2 năm 2020 - 2021, có tất cả 50 nhiệm vụ cần triển khai thực hiện (phần lớn các nhiệm vụ sẽ kéo dài đến năm 2025). Đến nay, TP.HCM đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, đang triển khai 12 nhiệm vụ, đề nghị ngưng 3 nhiệm vụ, đặc biệt chưa triển khai 26 nhiệm vụ.
Trong đó, những dự án có khả năng đóng góp nhiều trong việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm ảnh hưởng của BĐKH đều đã được các sở, ban, ngành tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ như dự án tuyến metro số 1, 2, dự án Giải quyết chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM….
Cũng theo Sở TN&MT TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP.HCM phải triển khai nhiều đợt giãn cách xã hội nên đã làm chậm tiến độ một số nhiệm vụ, chương trình, dự án trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Hiện nay, 4 nhiệm vụ chưa triển khai trong năm 2021 do nguyên nhân này và 7 nhiệm vụ khác được đề nghị chuyển sang các năm sau có thể do ảnh hưởng từ nguyên nhân này. Mặt khác, nhiều nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch chậm triển khai do chưa kêu gọi được vốn đầu tư.
Ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, Sở TN&MT đã đề xuất UBND TP.HCM cho phép gia hạn một số nhiệm vụ; cập nhật cơ sở pháp lý một số nhiệm vụ; chuyển đơn vị chủ trì một số nhiệm vụ để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ…
“Dù hầu hết các nhiệm vụ có thời gian thực hiện dài (5 - 10 năm), nhưng để có thể triển khai tích cực hơn trong các năm sau, Sở TN&MT đề xuất UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp sơ kết định kỳ hằng năm để các sở, ban, ngành ngồi lại để cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch thực thiện Thỏa thuận Paris về BĐKH đảm bảo hiệu quả” - ông Trần Văn Bảy cho biết.