AFD sẽ ưu tiên hợp tác toàn phần về ứng phó biến đổi khí hậu với Việt Nam
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:39, 24/05/2022
Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Herve Conan - Giám đốc quốc gia AFD tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, vì sao BĐKH lại trở thành mối quan tâm lâu dài của Chính phủ Pháp và AFD tại Việt Nam?
Ông Herve Conan: Nếu chúng ta còn nhớ, năm 2015 tại thành phố Paris của nước Pháp, Thỏa thuận Paris trở thành ràng buộc có tính chất pháp lý đầu tiên về vấn đề BĐKH, buộc các quốc gia trên thế giới phải đưa ra cam kết mạnh mẽ cắt giảm phát thải và thúc đẩy các hành động thích ứng. Vì vậy, Pháp có trách nhiệm đảm bảo Thỏa thuận Paris không chỉ là một tuyên bố và sẵn sàng hỗ trợ một số quốc gia hiện thực hóa tham vọng của họ, thậm chí nâng cao hơn nữa mức độ cam kết cùng bảo vệ Trái đất trước BĐKH.
AFD là một trong những cánh tay nối dài của Chính phủ Pháp để hỗ trợ các quốc gia thực hiện cam kết này. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác truyền thống và hiệu quả với Việt Nam, AFD khuyến khích phát triển các đô thị có khả năng chống chịu, phục hồi trước BĐKH, thông qua hỗ trợ các chính sách công và dự án nhằm sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên.
PV: Trọng tâm hỗ trợ của AFD là những nội dung cụ thể nào của khí hậu, thưa ông?
Ông Herve Conan: AFD rất chú trọng vấn đề thích ứng với BĐKH và tập trung vào tác động lâu dài của BĐKH đối với các thành phố, điển hình là xói lở bờ biển. Rõ ràng, đây không chỉ là mối nguy trong ngắn hạn mà cần tính đến hoàn cảnh chúng ta sẽ gặp phải trong 50 năm tới, và hơn thế nữa. Vì vậy, chúng tôi thiết kế các dự án cơ sở hạ tầng ở các địa phương khác nhau dựa vào mức độ xói mòn bờ biển do tác động của BĐKH, thay đổi lượng mưa, nước biển dâng.
Quan điểm của AFD là phải thiết kế dự án dựa trên những tác động trong tương lai và phải mang hiệu quả dài hạn. Để làm được điều này, AFD cùng với một số cơ quan của Việt Nam đã xây dựng Báo cáo GEMMES. Báo cáo đánh giá tác động của sự gia tăng nhiệt độ lên GDP của Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực; nhằm giúp các bộ, ngành, Chính phủ Việt Nam thích ứng và lường trước tác động để tìm ra giải pháp tốt nhất. Báo cáo chỉ ra, việc lồng ghép thích ứng vào công tác quy hoạch phát triển hiện nay vẫn chưa đủ để giảm thiểu các tác động tiềm tàng của BĐKH mà sẽ cần phải có thêm hỗ trợ từ bên ngoài.
Một trong những khuyến nghị của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý tài nguyên nước, vấn đề chia sẻ nguồn nước giữa các địa phương, các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Do BĐKH, một số vùng sẽ có nhiều nước hơn và ở một số vùng sẽ có ít nước hơn. Chẳng hạn, khu vực miền núi có mưa nhiều hơn và làm lợi cho sản xuất thủy điện, nơi có những con đập ngăn dòng. Vậy địa phương nơi có thủy điện sẽ cần ứng xử như thế nào? Điều này phải được thể hiện trong các định hướng phát triển của họ. AFD cố gắng cung cấp một số thông tin đầu vào cho các nhà hoạch định chính sách các cấp để đưa ra quyết định tốt nhất. Với đặc thù quốc gia có những vùng kinh tế trọng điểm gần sông, gần biển, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ phải phát triển hệ thống quản trị mới để quản lý nước một cách hiệu quả hơn trong bối cảnh BĐKH.
Bên cạnh đó, AFD hỗ trợ nhiều cho ngành năng lượng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) các dự án mới về thủy điện, lưới điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Chúng tôi cũng hỗ trợ khu vực ngân hàng để tạo đòn bẩy một cách tốt hơn cho các dự án khác nhau do khu vực tư nhân phát triển. Một trong những dự án quan trọng nhất của Pháp tại Việt Nam hiện nay là dự án đường sắt đô thị số 3 ở Hà Nội, góp phần giảm phát thải khí nhà kính khu vực đô thị, phát triển giao thông công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm không khí. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai một số hoạt động liên quan đến giảm rác thải nhựa, chống ô nhiễm môi trường biển và đại dương - là vấn đề nóng mà Việt Nam đang quan tâm.
Đây là những nội dung lớn, không chỉ để thảo luận trong đối thoại chính sách, mà quan trọng ở đây, chúng tôi cố gắng cung cấp kinh nghiệm và lắng nghe, học hỏi từ các nước khác để đưa ra quyết định tốt nhất, phù hợp nhất với Việt Nam, với điều kiện nguồn lực của Việt Nam. Sự hỗ trợ về mặt tài chính cho một số dự án cũng sẽ giúp Chính phủ làm thí điểm để phát triển từng bước, lựa chọn ra dự án phù hợp nhất và ban hành quy định chính sách giúp phát triển các giải pháp thích ứng với BĐKH.
PV: Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050. AFD sẽ khuyến nghị với Việt Nam những vấn đề gì để quá trình thực hiện những hỗ trợ của AFD mang lại hiệu quả cao nhất, thưa ông?
Ông Herve Conan: AFD đang làm việc với các cơ quan của Việt Nam trên 2 khía cạnh: phát triển dự án mới sử dụng năng lượng tái tạo và thiết kế hệ thống lưu trữ năng lượng hiệu quả.
Chúng tôi đồng thuận rằng Việt Nam chưa thể loại bỏ hoàn hoàn toàn năng lượng hóa thạch, nhưng phải tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo thay thế dần điện than và sau đó là thay thế khí đốt. Để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo, cần phải có cơ sở hạ tầng lớn cần thiết, đặc biệt là củng cố lưới điện để tăng khả năng truyền tải. Đồng thời, tăng khả năng lưu trữ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hạn chế tình huống gián đoạn khi phát điện. Đây là những trọng tâm hợp tác của chúng tôi hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!