Những phát hiện quan trọng cho tài liệu đàm phán tại COP27

Thế giới - Ngày đăng : 10:37, 24/05/2022

(TN&MT) - Báo cáo Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021 của WMO đã bổ sung cho đánh giá mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH, bao gồm một số phát hiện sẽ được sử dụng làm tài liệu đàm phán trong Hội nghị khí hậu của LHQ tại Ai Cập (COP27) vào cuối năm nay.

Dưới đây là 9 phát hiện quan trọng:

Nồng độ khí nhà kính đạt mức cao mới trên toàn cầu vào năm 2020 và tiếp tục tăng vào năm 2021, với nồng độ carbon dioxide lên đến 413,2 phần triệu trên toàn cầu, tăng 149% so với mức tiền công nghiệp.

Nhiệt độ đại dương đạt mức cao kỷ lục khác. Độ sâu trên 2.000m dưới đại dương trở nên ấm hơn vào năm 2021 và sẽ tiếp tục ấm lên trong tương lai, gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển sâu, đặc biệt là các rạn san hô.

Biển bị axit hóa: Lượng carbon dioxide dư thừa mà đại dương đang hấp thụ (khoảng 23% lượng khí thải hàng năm) khiến nước biển đang ngày càng bị axit hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh vật và hệ sinh thái, đồng thời đe dọa an ninh lương thực và hoạt động du lịch của con người. Giáo sư Taalas cho biết, 90% nhiệt lượng dư thừa mà con người thải ra hành tinh đều được lưu trữ trong đại dương.

nguoi-dan-kenya-khan-hiem-nuoc.-anh-un-news.jpg

Người mẹ bế con đi ngang qua xác gia súc do hạn hán nghiêm trọng ở Marsabit, Kenya. Nguồn: UNICEF

Mực nước biển tăng: Mực nước biển tăng kỷ lục 4,5mm mỗi năm trong giai đoạn 2013 - 2021, chủ yếu do băng tan, khiến hàng trăm triệu cư dân ven biển phải đối mặt với nhiều cơn bão nhiệt đới hơn trước đây.

Băng quyển: Các sông băng trên thế giới đã mỏng đi 33,5m kể từ năm 1950.

Sóng nhiệt: Nhiệt độ nóng đã phá kỷ lục trên khắp miền Tây Bắc Mỹ và Địa Trung Hải vào năm 2021. Thung lũng Chết ở California đạt 54,4°C vào ngày 9/7, nhiệt độ ở Syracuse, Sicily (Ý) cũng đạt ngưỡng 48,8°C.

Lũ lụt và hạn hán: Lũ lụt gây ra thiệt hại kinh tế 17,7 tỷ USD ở Hà Nam (Trung Quốc) và 20 tỷ USD ở Đức, đồng thời, khiến rất nhiều người dân thiệt mạng. Hạn hán đã ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới, bao gồm vùng đất Sừng châu Phi, Nam Mỹ, Canada, miền Tây nước Mỹ, Iran, Afghanistan, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Selwin Hart, cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký về Hành động vì Khí hậu khẳng định: "Nếu bạn đang sống ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, Trung, Đông hoặc Tây Phi, Nam Á, bạn có nguy cơ tử vong vì khí hậu cao gấp 15 lần”.

An toàn thực phẩm: Tác động từ xung đột, thời tiết cực đoan và các cú sốc kinh tế đã làm giảm tiến trình cải thiện an ninh lương thực trên toàn cầu. Trong tổng số người suy dinh dưỡng vào năm 2020, có hơn một nửa sống ở châu Á (418 triệu người) và một phần ba ở châu Phi (282 triệu người).

Di cư: Những mối nguy liên quan đến nước tiếp tục góp phần vào sự di dời nội bộ. Quốc gia có số người di cư cao nhất tính đến tháng 10/2021 phải kể đến Trung Quốc (hơn 1,4 triệu), Philippines (hơn 386 nghìn người).

Phương Hoài - Tổng hợp từ UN News