Siết chặt kỷ luật, kỷ cương cán bộ thực thi công vụ thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Trong nước - Ngày đăng : 21:53, 23/05/2022

(TN&MT) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 23/5, Quốc hội nghe báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần củng cố lòng tin của nhân dân

Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, trong công tác chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2021. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành đẩy đủ và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã phát huy hiệu quả, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế.

img_5681.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh việc triển khai quyết liệt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, đề án quan trọng phát triển đất nước như: Tiếp tục kiện toàn bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn; Triển khai, thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, thu hồi số lượng lớn tiền, tài sản cho Nhà nước, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân.

Theo đó, mặc dù, có rất nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương 2,58%; Thu NSNN tăng 16,8% so với dự toán; Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, xuất siêu 4 tỷ USD; Lạm phát được kiềm chế; Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt; Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy kéo dài; Một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế duy trì triển vọng kinh tế của Việt Nam ở mức tích cực. Tuy nhiên, kinh tế nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 không đạt kế hoạch; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép lạm phát tăng;…

Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh Covid-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra. Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như:

Một số Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 so với thời hạn quy định.

Việc ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với văn bản QPPL chưa được thực hiện triệt để; một số văn bản QPPL của Bộ, ngành, địa phương khi ban hành còn chưa đúng về nội dung, thẩm quyền; tiến độ xử lý văn bản sau rà soát còn chậm...

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính

Trong báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương một số nội dung trọng tâm.

dscf9246.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh trình bày báo cáo thẩm tra

Thứ nhất, Chính phủ cần khắc phục những tồn tại, hạn chế qua nhiều năm trong việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nội dung của Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đầy đủ theo quy định, phù hợp với đặc điểm của bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị và có sự điều chỉnh theo tình hình, nhiệm vụ; có chỉ tiêu định lượng cụ thể làm cơ sở đánh giá hiệu quả thực hành tiết kiệm cũng như hành vi lãng phí.

Thứ hai, giải quyết dứt điểm các tồn tại đã được nêu ra tại các kỳ giám sát của các cơ quan của Quốc hội về tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Chỉ đạo rà soát ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ngân sách Nhà nước, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, quản lý hoạt động thương mại điện tử, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khoáng sản, tài nguyên nước, rừng... Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là các định mức, đơn giá, tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục…

Thứ ba, nâng cao năng lực phân tích dự báo, đánh giá đúng tình hình tạo cơ sở vững chắc trong việc lập dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm. Từ những kết quả tích cực của tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát các khoản chi, thực hiện triệt để tiết kiệm, đẩy nhanh lộ trình giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh tuyên truyền, quyết liệt triển khai phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch COVID-19, phục hồi kinh tế đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Thứ tư, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia và các dự án quan trọng quốc gia. Không phân bổ vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn; Kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm giải ngân để bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn.

Thứ năm, xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Kiên quyết thu hồi đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích, hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện. Có giải pháp khắc phục các bất cập trong chuyển đổi số, quản lý, sử dụng tài nguyên số, băng tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông, cơ sở dữ liệu...

Thứ sáu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức thực thi công vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành, theo hướng giảm đầu mối, rõ về chức năng, nhiệm vụ; kiên quyết xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ, công chức. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục, phiền hà và mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Khương Trung