Ninh Bình chủ động ứng phó với thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:28, 23/05/2022

(TN&MT) - Để chủ động phòng tránh, ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các địa phương cần chuẩn bị tốt công tác “4 tại chỗ”, sẵn sàng triển khai các phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế, phương án bảo vệ trọng điểm khi có thiên tai xảy ra.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Ninh Bình có địa hình phức tạp, vùng đồi núi, chiêm trũng và miền biển hàng năm luôn chịu ảnh hưởng về thiên tai. Những năm gần đây, mặc dù đã được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh trong công tác PCTT nhưng do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nên vẫn còn có các khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo chưa cao, nhiều khi tạo ra tâm lý chủ quan lơ là trong công tác PCTT của người dân. Công tác tuyên truyền giáo dục về PCTT & TKCN chưa thành hệ thống, một số người dân chưa nhận thức được hết hậu quả, thảm họa do thiên tai gây ra để chủ động phòng tránh.

nhieu-tuyen-duong-gi.jpeg
Đợt mưa lũ hồi tháng 10/2020 khiến nhiều tuyến đường ở Ninh Bình bị ngập sâu. Ảnh: NT

Công tác dự phòng vật tư, trang thiết bị phương tiện, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ yêu cầu "4 tại chỗ" còn thiếu so với nhu cầu thực tế; gây khó khăn cho huy động lực lượng, đảm bảo thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống thiên tai bão lũ xảy ra.

Trong khi đó, thực tế lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã còn mỏng, thiếu về trang bị, công cụ cần thiết để đảm bảo hiệu quả, an toàn khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

Sẵn sàng kịch bản ứng phó

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị. Cụ thể như: tăng cường hoạt động đội xung kích PCTT tại từng xã, thôn, bản để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu. Thông tin truyền thông để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCTT.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị tốt công tác “4 tại chỗ”, sẵn sàng triển khai các phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế, phương án bảo vệ trọng điểm khi có thiên tai xảy ra.

Các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình PCTT phát hiện kịp thời sự cố công trình để xử lý. Cắm biển báo hạn chế tải trọng trên các tuyến đê để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm. Lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các công trình trọng điểm, lắp đặt hệ thống đo mưa tự động, hệ thống báo mực nước tự động tại các hồ chứa để phục vụ cho công tác quản lý.

Các cấp, các ngành đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt; xây dựng phương án ứng phó cấp độ rủi ro thiên tai; cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều hành PCTT; bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai…

Tuyết Chinh