Vải Thanh Hà, Hải Dương vào vụ sớm
Kinh tế - Ngày đăng : 23:12, 22/05/2022
Người Thanh Hà trồng tới 05 loại vải. Người dân và thương lái vẫn quen gọi phân loại với những cái tên gần gũi như: vải Trứng trắng, vải Trứng gai, vải U hồng, vải Tàu lai, vải Thiều.
Vải U trứng trắng cho thu hoạch từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 (âm lịch). Vải U trứng trắng (hay còn gọi tắt là Trứng trắng) là trà vải sớm nhất trong trà vải sớm ở Thanh Hà, chủ yếu được trồng ở một số xã như Thanh Cường, Thanh Bính...
Bà Lê Thị Lượt (một hộ trồng vải tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, Hải Dương) cho biết, năng suất trà vải U trứng trắng thường kém hơn vải U hồng, U gai nên nông dân trồng không nhiều.
Vải U trứng trắng là một loại vải ngon, do thu hoạch sớm nên vải U trứng trắng thường bán được giá nhất. Vải cho thu hoạch trong khoảng thời gian hơn 1 tuần là hết, Bà Lượt phấn khởi, năm nay gia đình bà bán tại vườn được giá 80.000đ /1kg loại vải này.
Vải U hồng (U trứng hồng) thuộc nhóm có giống quả to, trung bình khoảng 30-35 quả một kg, cuống quả sâu xuống dưới, quả vải nhô cao. Khi bổ theo chiều dọc thì mép trên có hình chữ U. Khi chín, đầu quả màu hồng tươi, phần cuối quả có màu vàng hoặc xanh sáng. Vải U hồng cho thu hoạch vào cuối tháng 5.
Cũng như vải U trứng hồng, vải U trứng gai có quả to, vị hơi chua, vỏ dày, hạt to … nhưng vải U trứng gai có đặc điểm với nhiều gai sần. Vải U trứng hồng và U trứng gai cho năng suất lớn nên được bà con trồng rất nhiều. Vải U trứng hồng và U trứng gai có vị chua ngọt rất dễ ăn.
Vườn vải Tàu lai của gia đình bà Lượt còn xanh quả, khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Vải Tàu lai là loại vải được thị trường Trung Quốc ưa chuộng vì quả tròn, to, mã đỏ đều, vỏ quả dày nên bảo quản được lâu và vận chuyển được xa hơn so với các loại vải khác. Tại Thanh Hà, vải Tàu lai được trồng chủ yếu ở các xã Thanh Bính, Thanh Cường, Trường Thành, Vĩnh Lập, Thanh Xá… với diện tích trên 100 ha.
Vải Thiều Thanh Hà (hay còn gọi là vải Tàu ta) có hạt nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày, trắng đục, ngọt lịm, đầy nước. Sở dĩ gọi là vải Thiều vì giống vải này được cho rằng có nguồn gốc từ Thiều Châu, Trung Quốc. Vải Thiều là trà vải cho thu hoạch muộn nhất trong năm.
Bà Hồng Thắm (một hộ trồng vải tại xã Thanh Cường) chia sẻ, do bị phụ thuộc đầu ra vào thương lái nên đầu mùa, kể cả khi thị trường được giá thì thu nhập của người trồng cũng rất “phập phù”. Cũng là loại vải ấy nhưng sau một ngày có thể bị thương lái ép giá một nửa cũng phải bán.
Với 2 mẫu đất trồng vải, mỗi năm cho bà Lượt thu hoạch gần 200 triệu đồng. Tuy vậy để thu hoạch được một vụ vải, cũng tương đối vất vả. Vào tháng 9 hàng năm, người nông dân phải tiến hành cứa cành để ngăn bớt nước cho cây ra hoa. Sau hai đợt phun thuốc sâu cắn lá vào khoảng tháng 2 cây vải bắt đầu ra hoa, kết trái. Kể từ khi kết trái, cứ 10 ngày phải phun thuốc trừ sâu một lần cho tới khi quả đỏ đuôi là dừng. Kể từ khi dừng phun, sau khoảng 15 tới 20 ngày là thu hoạch, bà Thắm chia sẻ.