Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Gia Lai cần hướng đến phát triển xanh

Trong nước - Ngày đăng : 18:44, 21/05/2022

(TN&MT) - Chiều 21/5, tại TP Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022 với chủ đề: “Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả trong phòng chống dịch gắn với khôi phục và phát triển kinh tế”.
img_2751.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Ngọc Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng lại là năm khởi sắc của kinh tế Gia Lai. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 9,71% so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước đạt gần 7.900 tỉ đồng, tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 70.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 là 1.480 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020.

img_2764.jpg
Ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị

Năm 2021, có 60 dự án được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận chủ trương đầu tư, với số vốn đăng ký 29.227 tỉ đồng; 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỉ đồng. Đáng chú ý, những dự án lớn hoàn thành, đưa vào hoạt động trong năm 2021: 11 dự án điện gió, tổng vốn đầu tư trên 20.000 tỉ đồng; dự án trang trại chăn nuôi bò thịt của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên (Thaco), với tổng mức đầu tư 1.162 tỉ đồng... đã tạo sức bật cho nền kinh tế tỉnh Gia Lai.

Với vị thế là cửa ngõ của khu vực, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.

Theo ông Võ Ngọc Thành, Gia Lai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 845.000 ha, tổng trữ lượng nước mặt khoảng 23 tỉ m3, nguồn nguyên liệu nông sản phong phú: cà phê, cao su, mía, chè... Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển 3 lĩnh vực thế mạnh: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch.

“Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, ông Võ Ngọc Thành cho hay.

z3431383722782_7e915ac99a3f5f2a4d72b19264983429.jpg
Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia diễn đàn với chủ đề “Lợi thế và cơ hội đầu tư của tỉnh Gia Lai trong xu thế hội nhập và phát triển”; nghe tham luận về Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng; cùng nghe ý kiến, phát biểu của một số doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được và sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai vào thành tựu chung của cả nước. Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế tỉnh Gia Lai đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân hằng năm đạt 7,55%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; an sinh xã hội, an ninh quốc phòng được đảm bảo.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Gia Lai cần xác định tiềm năng, thế mạnh của mình, nhưng phải có nét riêng, từ đó có quy hoạch để tạo ra đột phá, thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra, Gia Lai cần tập trung xây dựng nội lực mà nền tảng chủ chốt là con người; phát triển hạ tầng đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm về giao thông, kinh tế, y tế, văn hóa; cải cách hành chính phải được chú trọng để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện.

“Gia Lai cần đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ để không phụ thuộc thụ động, chống biến đổi khí hậu; phát triển năng lượng sạch, kinh tế xanh; phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Các bộ, ngành Trung ương phải có trách nhiệm, đồng hành với địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh. Sau hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022, mong các cam kết đầu tư của các doanh nghiệp sẽ được thực hiện với sự chân thành và trách nhiệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

img_2756.jpg
UBND tỉnh Gia Lai trao Quyết định chủ trương đầu tư cho đại diện các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh

Nhân dịp này, UBND tỉnh Gia Lai đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 17 doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh, tổng vốn đầu tư 15.000 tỉ đồng; trao/ký kết 29 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn đăng ký 115.356 tỉ đồng với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Kết thúc Hội nghị, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã đến dự và phát biểu chỉ đạo, các nhà đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp đã và sẽ đầu tư vào tỉnh Gia Lai.

“Với niềm tin tưởng, quyết tâm và kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế - xã hội của đất nước, cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đối với tỉnh Gia Lai, hứa hẹn cơ hội phục hồi, phát triển mạnh mẽ cho tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, ông Võ Ngọc Thành khẳng định.

Quế Mai