ADB đề xuất triển khai cơ chế chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:51, 20/05/2022
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và các chuyên gia về biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Sản xuất và tiêu thụ năng lượng là những nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để đưa mức phát thải ròng về "0" cần phải thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đối với Việt Nam, cùng với giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo còn là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các đối tác phát triển xây dựng phương án tiếp cận công bằng, công lý trong thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng phục vụ việc thực hiện các cam kết tại COP26.
Việt Nam xác định chuyển đổi năng lượng vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Một mặt cần phải chuyển đổi mạnh mẽ năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch cho phù hợp với xu thế chung toàn cầu, góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển bền vững. Một mặt phải đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế; đảm bảo chuyển đổi nghề nghiệp cho các lao động bị ảnh hưởng, nhất là công nhân ngành than; đảm bảo khả năng chi trả giá điện đối với những người thu nhập thấp; và đảm bảo lực lượng lao động Việt Nam được trang bị đầy đủ kỹ năng để tiếp nhận các công nghệ tiên tiến ít phát thải.
Để hỗ trợ Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã giới thiệu Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM). Mục tiêu nhằm huy động nguồn tài chính công và tư, dựa trên tiếp cận thị trường để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, đồng thời, tăng đáng kể đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Theo ông Andrew Jeffries, Cơ chế Chuyển đổi năng lượng là một phương thức sáng tạo, tập trung vào nhà máy điện than - những nguồn phát thải khí CO2 lớn nhất trong lĩnh vực điện. Là một quốc gia đang tăng trưởng nhanh, Việt Nam cần tiếp tục vận hành những nhà máy này, trong khi triển khai những khoản đầu tư mới vào năng lượng tái tạo và tạo ra công suất điện thay thế. Cơ chế này được thiết kế để mua lại một số nhà máy nhiệt điện than chọn lọc. Ngay lập tức, chủ sở hữu nhà máy sẽ có nguồn vốn để tái đầu tư vào các nguồn phát điện sạch.
Dù vẫn sẽ dừng hoạt động trong tương lai nhưng những nhà máy này có thể tiếp tục hoạt động thêm một thời gian và đóng góp nhiều hơn vào công cuộc giảm phát thải. Nguồn vốn và công nghệ do ADB huy động bằng cách phối hợp với các đối tác phát triển quốc tế, các chính phủ, các tổ chức từ thiện và các nhà đầu tư tư nhân.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Bộ TN&MT đang xúc tiến thảo luận với các đối tác thuộc Liên minh châu Âu, các nước Phát triển G7, các định chế tài chính về việc xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam. Công việc này dự kiến hoàn thành trước Hội nghị COP 27 và sau đó, sẽ thành lập các nhóm công tác chuyển đổi năng lượng trong từng ngành cụ thể, như: giao thông, sản xuất năng lượng, nông nghiệp, các quá trình công nghiệp... Sáng kiến của ADB rất phù hợp với cơ chế này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của ADB đã chia sẻ thông tin về Cơ chế ETM, kinh nghiệm triển khai tại In-đô-nê-xi-a - quốc gia có điều kiện tương tự ở Việt Nam. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị cụ thể cho Việt Nam. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ chia sẻ về nỗ lực thực hiện cam kết tại COP26 và một số nhu cầu cần hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Trên cơ sở đó, các chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị về chính sách, bước đi cụ thể để áp dụng Cơ chế ETM tại Việt Nam.