An toàn cho người dân trong vùng có nguy cơ trượt lở đất đá

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:14, 20/05/2022

(TN&MT) - Các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cung cấp thông tin về các mức độ nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá tại mỗi khu vực khi hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi, kích hoạt quá trình trượt lở đất đá xảy ra. Những thông tin này giúp chính quyền địa phương đưa ra cảnh báo kịp thời đến người dân, chủ động ứng phó nhằm hạn chế những rủi ro do sạt lở đất gây ra.

Công cụ cảnh báo trượt lở đất đá

Từ năm 2012 đến năm 2020, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã triển khai và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên 25 tỉnh miền núi gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.

Viện cũng hoàn thành công tác lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 15 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hòa Bình. Sản phẩm hoàn thành là các bản đồ kèm theo báo cáo thuyết minh; được thành lập theo địa bàn huyện, thị xã của từng tỉnh.

1(1).jpg
Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ TN&MT. Ảnh: Trần Văn

Theo ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, bộ Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá đã cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra trượt lở đất đá đến thời điểm được điều tra và các khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao trên cơ sở tổng hợp các kết quả khảo sát. Bộ bản đồ này sẽ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra trượt lở đất đá ở địa phương mình, chi tiết tới từng điểm trượt đã được khảo sát.

Do vậy, địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện trượt lở đất đá tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra, cũng như cảnh báo về nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá tại các vị trí, khu vực có điều kiện tự nhiên - môi trường tương đồng. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp tại mỗi vị trí tùy mức độ quy mô, nguy cơ tái xuất hiện trượt lở trong các mùa mưa bão.

Ông Trịnh Xuân Hòa nhấn mạnh, các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cung cấp các thông tin về các mức độ nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá tại mỗi khu vực khi hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi, kích hoạt các quá trình trượt lở đất đá xảy ra. Bộ bản đồ này sẽ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh mức độ nguy cơ có thể xảy ra trượt lở đất đá ở địa phương, được chi tiết tới cấp xã.

“Các địa phương có thể sử dụng bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá làm cơ sở khoa học để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư cho các địa phương, đồng thời, vẫn đảm bảo cho chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã và nhân dân địa phương có biện pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra”.

Ông Trịnh Xuân Hòa

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong mùa mưa bão năm 2016 - 2020, hiện tượng trượt lở đất đá diễn ra trên diện rộng đã gây nhiều thiệt hại cho cộng đồng. Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các ban, ngành tăng cường công tác điều tra cảnh báo ở tỷ lệ lớn ở các khu vực trọng điểm. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai xây dựng kế hoạch triển khai.

88.png
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu và ảnh số để thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá

Từ các kết quả điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá được thực hiện, trên cơ sở phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của các tỉnh địa phương, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã xác định được 220 xã trọng điểm thuộc vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ cần tiến hành công tác điều tra bổ sung, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng cho địa phương các loại bản đồ cảnh báo nhằm giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá trong mùa mưa bão; phục vụ kịp thời công tác di dân tái định cư, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương.

Trên cơ sở đó, trong các năm 2017 - 2020, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã triển khai công tác điều tra cập nhật, bổ sung thông tin hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá cho 64 xã trọng điểm có nguy cơ trượt lở đất đá cao thuộc 7 tỉnh: Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa và Sơn La.

Chuyển giao kết quả đề án tới địa phương

Nhằm phục vụ kịp thời công tác phòng tránh và giảm nhẹ hậu quả do trượt lở đất đá gây ra cho các địa phương, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã tiến hành chuyển giao ngay các sản phẩm đã được Đề án hoàn thành theo từng giai đoạn. Từ năm 2014 đến năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành Trung ương và địa phương để thực hiện công tác chuyển giao và hướng dẫn quản lý, sử dụng các sản phẩm đã hoàn thành trong các năm 2012 - 2019 cho các địa phương tại 3 đợt Hội nghị cấp Trung ương, 9 Hội nghị cấp tỉnh và 50 Hội nghị cấp xã.

Ông Trịnh Xuân Hòa cho biết, tại các Hội nghị nói trên, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã triển khai các hoạt động tập huấn cho các chuyên viên được giao trực tiếp quản lý và sử dụng bộ sản phẩm của Đề án, các cán bộ phụ trách về công tác phòng tránh thiên tai tại các cộng đồng dân cư; sau đó, các chuyên viên này tiếp tục truyền tải các thông tin, hướng dẫn cho các cán bộ, chuyên viên của các đơn vị trực thuộc cũng như tới các cộng đồng dân cư địa phương.

888.jpg
Sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhân dân xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tháng 10/2020

Các địa phương có thể sử dụng bộ bản đồ này làm cơ sở khoa học để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư cho các địa phương, đồng thời, vẫn đảm bảo cho chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã và nhân dân địa phương có thể lồng ghép các kế hoạch và biện pháp phòng, chống, cảnh báo về các tai biến trượt lở đất đá hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá đã được chuyển giao đến các địa phương, tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Hòa cho rằng, để thực sự phát huy được hiệu quả thì những sản phẩm như bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng cảnh báo cần được các địa phương sử dụng, ít nhất vào hai mục đích: Về tức thời, dùng để cảnh báo sơ tán dân ra khỏi các khu vực đang trượt lở hoặc có nguy cơ xảy ra trượt lở, lũ quét cao; về lâu dài, những sản phẩm này cần được tích hợp vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, phục vụ tái định cư, định canh, xây dựng cơ sở hạ tầng... nhằm tránh tối đa tác động nhân sinh vào tự nhiên, góp phần giảm thiểu các tác nhân làm tăng nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất gây ra, ông Trịnh Xuân Hòa cho rằng, ở những khu vực có nguy cơ trượt lở đất, xói lở bờ sông, bờ suối nguy hiểm, các địa phương cần lập quy hoạch, kế hoạch phân bố dân cư; di dời các nhà dân nằm trong khu vực nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá, đặc biệt là tại các bẫy lũ quét, sườn dốc, đới phá hủy đứt gãy, ven bờ sông, bờ suối có nguy cơ xói lở. Khẩn trương di dời các điểm dân cư, các công trình công cộng nằm trong vùng có nguy cơ trượt lở đất đá đến các vị trí an toàn. Xác định trước một số vị trí tương đối an toàn (trường học, trạm xá, trường học, chợ…) để người dân có thể đến sơ tán khi xảy ra sự cố. Triển khai diễn tập trước khi mùa mưa bão đến.

Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc, giám sát, đánh giá, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Hiện nay, toàn bộ các sản phẩm của Đề án đều đã được chuyển giao cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Tổng cục Phòng, chống thiên tai nhằm phục vụ cho công tác xây dựng các bản tin cảnh báo thiên tai và chỉ đạo phòng, chống thiên tai của các đơn vị này. “Trong những đợt xảy ra mưa bão, ATNĐ bất thường, các cán bộ của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã sử dụng hiệu quả những bộ sản phẩm đã hoàn thành của Đề án để phối hợp chặt chẽ với các kỹ thuật viên của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, cùng giám sát tình hình mưa bão và xây dựng các bản tin cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá”, ông Trịnh Xuân Hòa nhấn mạnh.

Thanh Tùng