Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2022: Vì một tương lai chung cho tất cả sự sống - Đà Nẵng: Ngăn chặn nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã
Môi trường - Ngày đăng : 10:13, 20/05/2022
Nhiều thách thức
Vài năm gần đây, Đà Nẵng đã trở thành địa bàn trọng điểm trung chuyển, tiêu thụ ĐVHD nên thường xuyên bị các đối tượng lợi dụng để vận chuyển trái phép ĐVHD từ các quốc gia khác về Việt Nam. Điển hình như vụ bắt giữ 9 tấn ngà voi ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 3/2019. Tiếp tục đến tháng 7/2021, Cục Hải quan Đà Nẵng đã phát hiện và bắt giữ hơn 138 kg sừng tê giác, hơn 3,1 tấn xương động vật được khai báo với mã hàng hóa là gỗ. Gần đây nhất ngày 5/1/2022, Cục Hải quan Đà Nẵng cũng phát hiện lô hàng trong
container số hiệu GESU6160232 thuộc vận đơn 212882912, được khai báo là hạt điều, vận chuyển từ Nigeria về cập cảng Tiên Sa nhưng thực chất là cất giấu hơn 456 kg ngà voi và 6,2 tấn hàng vảy tê tê.
Đại diện Cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng cho biết, để đối phó lực lượng chức năng đối tượng thường lợi dụng việc tạo thuận lợi trong quy trình thủ tục hải quan điện tử và việc áp dụng quản lý rủi ro để khai báo sai tên hàng như hàng thủy tinh, giấy cuộn, gỗ thường. Hàng hóa được chuyển tải qua nhiều tàu, vận chuyển qua nhiều cảng ở các nước khác nhau trước khi đến Việt Nam nhằm xóa dấu vết. Tên hàng trên chứng từ hoàn toàn giả mạo, khi bị phát hiện thì từ chối nhận hàng hoặc không khai báo làm thủ tục hải quan. Điều này gây khó khăn cho công tác điều tra, bắt giữ và xét xử các vi phạm buôn bán ĐVHD.
“Trong cuộc chiến ngăn chặn và đi đến chấm dứt nạn buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật, chúng tôi luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về tầm quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH, có ý thức lên án, đấu tranh với các hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái phép”.
Ông Phan Thế Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng
“Các vi phạm về bảo vệ ĐVHD tại Đà Nẵng chiếm tỷ trọng lớn là hành vi vận chuyển trái phép ĐVHD quá cảnh qua địa bàn. Các vụ vận chuyển này đều là những loài vật loài nguy cấp, quý hiếm có xuất xứ nước ngoài qua đường biển đến Đà Nẵng có tình tiết phức tạp với khối lượng lớn và thủ đoạn tinh vi.” - Ông Nguyễn Mạnh Tiến (Chi Cục Kiểm lâm Đà Nẵng) cho biết.
Bên cạnh đó, tình trạng tàng trữ, mua bán, nuôi nhốt, săn bắt trái phép ĐVHD không thuộc loài nguy cấp, quý hiếm diễn tại nhiều nơi trên địa bàn do nhận thức chưa đầy đủ của người dân về hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật. Trong giai đoạn từ 2015 - 2021, Kiểm lâm Đà Nẵng đã tiến hành xử phạt 93 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Mặc dù, hành vi vi hạm về ĐVHD quý hiếm đã được quy định trong Luật ĐDSH năm 2008 và Bộ luật Hình sự, nhưng thực tế, các hành vi xâm hại đến các loài ĐVHD diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do lợi nhuận từ việc săn bắn, buôn bán ĐVHD, cũng như nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD ngày càng lớn nên các đối tượng vẫn bất chấp mua bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Nhằm bảo vệ ĐDSH, đặc biệt là các loài ĐVHD, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án bảo tồn ĐDSH TP. Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 14/9/2020. Mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của thành phố; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện quy trình và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; chia sẻ trách nhiệm và lợi ích cộng đồng trong công tác bảo tồn ĐDSH…
Theo ông Phan Thế Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâmTP. Đà Nẵng, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là nơi có hệ sinh thái đa đạng, Chi cục Kiểm lâm thành phố cũng chỉ đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD cho khách và người dân đến tham quan bán đảo Sơn Trà; tuyên truyền mọi người chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD….
Đến nay, tình trạng bẫy bắt ĐVHD tại bán đảo Sơn Trà có giảm nhưng chưa dứt hẳn. Do đó, việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát sẽ giúp cơ quan chức năng sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Theo ông Dũng, bất kỳ ĐVHD nào nếu không xác định được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đều bị xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, kinh doanh thịt thú rừng đang mang lại lợi nhuận cao nên không ít người dân bất chấp quy định, vào sâu trong núi săn lùng, bẫy bắt làm mất cân bằng hệ sinh thái.
Để ngăn chặn và chấm dứt nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD tại Đà Nẵng, hiện các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra bảo vệ ĐVHD, nếu phát hiện các trường hợp cố ý săn bắt, mua bán trái phép ĐVHD, các đơn vị chức năng liên quan sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Hải quan với lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD, quý hiếm.