Áp lực đảm bảo nguồn cung điện khi phục hồi nền kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 19:43, 19/05/2022

Nhu cầu sử dụng điện đang dần hồi phục song song với quá trình mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến tháng 7 sẽ liên tiếp xảy ra các đợt nắng nóng diện rộng đẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên cả nước tăng vọt. Để đảm bảo có đủ điện, bên cạnh các giải pháp bảo đảm cung ứng ổn định điện năng cho sản xuất và tiêu dùng, yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp hữu hiệu giúp hệ thông điện vận hành an toàn, liên tục.

Hiện trạng năng lượng tái tạo còn nhiều bất ổn

Tại Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng" vừa diễn ra, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 4 tháng đầu năm, cả nước tiêu thụ 87 tỷ kwH. Nhìn trên tổng sản lượng, năng lượng truyền thống (điện than, điện khí, thủy điện) đã đóng góp 77 tỷ kwH, chiếm một tỷ lệ rất cao.

Năm 2022, ngành điện đối mặt với 2 thách thức lớn. Thứ nhất, chi phí đầu vào cho vận hành hệ thống điện đang leo thang. Giá nhiên liệu đang ở mức cao, điển hình là giá than có thể lên tới 279 USD/tấn, gấp 3-4 lần so với năm ngoái. Xăng dầu có lúc lên trên 100 USD/tấn và giá khí cũng theo đà tăng. Trong khi đó, thủy điện cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Từ đầu năm đến nay, mực nước sông Đà thường xuyên ở mức thấp khiến công tác vận hành khó khăn.

z3423315727574_c268886a425a07c833743608629d3a2b_61a39.jpg
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát biểu tại tọa đàm

Thách thức thứ hai về áp lực vận hành hệ thống điện từ năng lượng tái tạo trong khi tính khả dụng còn thấp. Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về công suất lắp đặt điện mặt trời với 78 nghìn MW. Nhưng khi thời tiết biến động, điện mặt trời không phát huy đến 17 nghìn MW, điện gió cũng chỉ huy động được rất khiêm tốn. Tính bất định của NLTT gây ra sự bất ổn trong hệ thống điện, trong khi vẫn phải vận hành các hệ thống điện truyền thống.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian giãn cách, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt càng ngày càng cao khiến công suất tiêu thụ điện lập kỷ lục mới. Hay nói cách khác, thành phần sinh hoạt đang quyết định giờ cao điểm tiêu thụ điện năng. “Từ khi điện mặt trời và điện gió tham gia vào hệ thống điện, giờ cao điểm đã bị lệch so với thời điểm trước. Nếu như trước đây, khung giờ cao điểm trưa từ 11 giờ - 13 giờ, thì hiện khung giờ cao điểm đã lệch sang từ 14 giờ - 16 giờ. Đồng thời, xuất hiện thêm các khung giờ cao điểm từ 17 giờ - 19 giờ và 20 giờ 30 phút - 22 giờ”, ông Võ Quang Lâm cho hay. Như vậy, ngoài giờ cao điểm buổi trưa thì các khung giờ cao điểm khác, điện từ nguồn tái tạo vẫn chưa đóng góp nhiều.

Mặc dù vậy, ông Lâm khẳng định, thời gian qua, năng lượng tái tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt trong đảm bảo nguồn cung điện trong nước. Tỷ lệ điện từ các nguồn tái tạo trong 4 tháng đầu năm chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn mở cửa nền kinh tế, thời điểm cuối năm 2021, khi công tác phòng chống dịch đã có nhiều kết quả tích cực, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương để khôi phục các kịch bản sản xuất điện, đảm bảo nhu cầu phục hồi kinh tế và nhu cầu đời sống nhân dân. Ngay từ đầu năm 2022, EVN đã chỉ đạo trung tâm điều động quốc gia, các nhà máy BOT, nhà máy điện độc lập, đề nghị các đối tác rà soát, vận hành bảo dưỡng để đảm bảo vận hành cao nhất. Đồng thời, đảm bảo nguồn nước phát thủy điện, nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy điện than, điện chạy dầu có độ dự phòng sẵn sàng đảm bảo vận hành; đảm bảo lưới điện của các tỉnh, thành phố được sửa chữa, đầu tư xây dựng trong quý 1.

Hiện nay EVN đã có có những giải pháp nhằm tăng nguồn cung như tăng cường mua điện từ các nước láng giềng, tăng cường trao đổi mua bán điện giữa các nước trong khu vực Asean và khu vực sông Mekong và các đối tác khác nằm trong thị trường điện cùng khu vực. Về ngắn hạn, ngành điện đã tăng cường các giải pháp căn cơ trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo vận hành tối ưu, điều chỉnh phụ tải…

Cũng theo ông Lâm, để có hệ thống điện vững chắc thì phải có thị trường dịch vụ năng lượng. EVN đã đề xuất Bộ Công Thương thí điểm dự án pin tích trữ năng lượng để sẵn sàng khi nguồn NLTT dồi dào….

Tăng cường sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, du lịch và dịch vụ đang phục hồi, chuỗi sản xuất công nghiệp cũng sẽ phục hồi, do đó cần đưa ra kịch bản tăng trưởng điện năng 8 - 12% vào cuối năm 2022, khi tất cả dịch vụ, sản xuất hoạt động hoàn toàn bình thường. Trong khi đó, chuỗi dự án năng lượng tái tạo đa phần tập trung ở miền Trung, trong khi nền tảng truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu đủ từ miền Trung ra miền Bắc.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung sơ cấp không đảm bảo, để đủ điện cho mùa nắng nóng, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm năng lượng. Bởi, làm tốt được điều này sẽ làm giảm áp lực cung ứng điện, tăng được hiệu quả chung của nền kinh tế.

Hiện, cường độ năng lượng điện của Việt Nam cao hơn các quốc gia khác đến 4 - 5 lần, nghĩa là dư địa để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng còn rất lớn. Nguyên nhân phụ thuộc vào cơ cấu nền kinh tế vĩ mô. Mỗi ngành kinh tế sẽ có cường độ năng lượng khác nhau do đặc tính sử dụng năng lượng khác nhau. Chẳng hạn ngành công nghiệp nặng, sắt, thép, xi măng.. có cường độ năng lượng cao hơn so với các ngành công nghiệp cao như công nghiệp điện tử, sản xuất chip, bán dẫn…

Những ngành công nghiệp không khói như du lịch có cường độ năng lượng rất thấp. Điều này có nghĩa, để tạo ra 1.000 USD tăng trưởng GDP ở ngành xi măng chẳng hạn, sẽ đòi hỏi sử dụng nhiều năng lượng hơn ở các ngành khác. Như vậy, trong dài hạn, Việt Nam cần tăng chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất sang sản xuất xanh hơn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp ít phát thải, cường độ sử dụng năng lượng thấp.

tcbcevndambaocungungdien30415.jpeg
Nhu cầu sử dụng điện đang gia tăng theo thời gian mở cửa nền kinh tế 

Song song đó, cần tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, đồng thời, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng năng lượng của người dân, doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hà Đăng Sơn cho rằng, đây chính là cơ sở để Việt Nam hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải tại Hội nghị COP26. Vấn đề giải pháp để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng không mới. Câu chuyện ở đây là làm sao áp dụng các giải pháp này làm sao phù hợp với điều kiện của VN.

Chúng ta đã thấy sức mạnh của khối tư nhân qua giai đoạn bùng nổ đầu tư NLTT. Họ sẵn sàng thích ứng với yêu cầu sản xuất. Quan trọng là Chính phủ cần có chính sách rõ ràng, có động thái kiểm soát thì DN chắc chắn sẽ tìm ra cách thức để huy động vốn để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo sản xuất vứa thích ứng TKNL, giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Sơn cùng kỳ vọng, EVN và Bộ Công Thương sẽ sớm đề xuất với Chính phủ để có biện pháp mạnh mẽ hơn để tăng cường hiệu quả năng lượng tổng thể. Vì hiện tại, con số tiết kiệm điện 2% có lẽ chưa đủ đảm bảo mục tiêu Net-zero – phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Khánh Ly