Xây dựng nông thôn mới ở Ứng Hòa - Hà Nội: Nâng cao chất lượng, khởi sắc vùng quê
Xã hội - Ngày đăng : 19:39, 19/05/2022
Xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền huyện Ứng Hòa đã xây dựng những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai xây dựng NTM theo đúng định hướng, mục tiêu đề ra. Cùng sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đến hết năm 2020, huyện Ứng Hòa đã có 28/28 xã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM.
Phấn đấu đạt chuẩn NTM, huyện Ứng Hòa đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu. Nhờ đó, địa phương đã gặt hái được “trái ngọt” khi TP. Hà Nội đã có Tờ trình số 12/TTr-UBND về việc đề nghị thẩm định, xét công nhận huyện Ứng Hòa đạt chuẩn NTM năm 2020.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 trạm cấp nước sinh hoạt với tổng công suất thiết kế khoảng 7.780 m3/ngày đêm. Do đó, đến tháng 10/2021, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh (kể cả hộ sử dụng hệ thống lọc nước RO) là 74,8%, tỷ lệ hộ được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 34%.
Để nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, Huyện đã hợp đồng với Công ty CP Nước sạch Hà Nam lập phương án đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước sạch cho một số xã phía Nam huyện Ứng Hòa. Hiện nay, Công ty CP Nước sạch Hà Nam đang tổ chức thi công tuyến ống cấp nước sạch khu vực các xã phía Nam huyện Ứng Hòa và tiếp tục đề xuất UBND thành phố cho phép đầu tư hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn huyện. Hiện 13 xã phía Nam của huyện đã triển khai đường dẫn nước vào các khu dân cư như Đại Cường, Đại Hùng, Đông Lỗ, Kim Đường, Đội Bình, Hồng Quang, Minh Đức, Đồng Tân, Trung Tú, Trầm Lộng, Hòa lâm, Lưu Hoàng, Phù Lưu.
Đối với công tác chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, vệ sinh môi trường nông thôn, UBND huyện Ứng Hòa đã triển khai Cuộc thi “Giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp” được triển khai duy trì từ năm 2019 đến nay cùng thành lập Ban chỉ đạo cuộc thi “Ứng Hòa chung sức xây dựng diện mạo nông thôn mới” năm 2022.
Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì phong trào vào sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, toàn dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc và trồng mới cây xanh dọc các tuyến đường. Huyện đã có 370 đoạn đường phụ nữ tự quản; 272 đoạn đường hoa với tổng chiều dài trên 40km; trồng mới hơn 60.000 cây xanh các loại; triển khai vẽ gần 300 bức bích họa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Về “điểm nóng” ô nhiễm môi trường thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, khu vực này có khoảng 800 hộ dân, trong đó 170 hộ thu gom, tái chế phế liệu, hoạt động này đã phát sinh một lượng lớn chất thải rắn với thành phần chủ yếu là các loại nhãn mác, bao bì, nhựa không tái chế... Để giải quyết vấn đề môi trường trên, UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tổ chức đợt cao điểm " 100 ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường" tích cực vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như quản lý môi trường, quản lý, phân loại chất thải phát sinh từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào có lượng thải bỏ ít…
Ngoài ra, UBND huyện đã liên hệ với Công ty CP Môi trường đô thị và Công nghiệp thị trấn Bắc Sơn - Urenco Bắc Sơn để phối hợp thực hiện dự án “Biến rác thải nhựa sinh hoạt thành năng lượng” để xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu từ ngày 10/11/2021 đến hết ngày 31/12/2022.
Đặc biệt, nhằm tiếp tục xử lý có hiệu quả lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thôn Xà Cầu, UBND huyện đã giao Phòng TNMT liên hệ với các đơn vị chức năng giới thiệu với UBND xã Quảng Phú Cầu thực hiện phương án thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu. Hiện UBND xã Quảng Phú Cầu đã ký hợp đồng với Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình thu gom, xử lý rác thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu thôn Xà Cầu hàng ngày theo quy định. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất hạn chế lượng rác thải thu gom trên địa bàn. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch dài hạn, đảm bảo giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
UBND huyện Ứng Hòa rất quan tâm tới xã Quảng Phú Cầu, xã có 6 thôn được công nhận làng nghề, trong đó có 5 thôn Cầu Bầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Thượng, Phú Lương Hạ và Đạo Tú sản xuất tăm hương, tái chế rác... việc kinh doanh, sản xuất, tái chế có ảnh hưởng tới môi trường. Để khắc phục tình trạng trên UBND huyện Ứng Hòa đã trình UBND TP. Hà Nội và đã được phê duyệt thành lập Cụm Công nghiệp Cầu Bầu và Cụm công nghiệp Xà Cầu; đến nay, cụm Công nghiệp Cầu Bầu đã cơ bản hoàn thành, từ nay đến cuối năm sẽ có 85 hộ tái chế rác thải sẽ được đưa vào cụm, số còn lại sẽ được giải quyết vào cụm Công nghiệp Xà Cầu, chậm nhất là tháng 01/2023; sau khi thành lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Đồng thời, việc quy hoạch cụm công nghiệp xa khu dân cư sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Có thể nói, từ khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã được đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững, an sinh xã hội ngày càng đảm bảo.
Ông Ngô Tiến Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết để phong trào xây dựng NTM đạt hiệu quả cao, duy trì và nâng cao chất lượng, Ban chỉ đạo huyện đã triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
“Đặc biệt, UBND huyện sẽ tiếp tục duy trì những cuộc thi bảo vệ môi trường thường xuyên để toàn dân cùng chung tay xây dựng huyện Ứng Hòa xanh - sạch - đẹp, phát triển giàu đẹp, văn hóa, văn minh” - ông Hoàng nhấn mạnh.