Đại dương ấm lên - hệ quả của biến đổi khí hậu
Thế giới - Ngày đăng : 16:03, 19/05/2022
Các đại dương đã hấp thụ khoảng 90% sự nóng lên của Trái Đất, trong đó, vùng Bắc Đại Tây Dương ấm hơn khoảng 62% trong giai đoạn từ năm 1850-2018.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Exeter (Anh) và Đại học Brest (Pháp) ước tính rằng trong 50 năm tới, nhiệt độ của các đại dương sẽ tăng thêm 0,2 ° C.
Điều này sẽ đe dọa sự sống còn của nhiều sinh vật biển như các rạn san hô hay rừng tảo bẹ, vốn là điểm tựa cho toàn bộ hệ sinh thái. Sự ấm lên của các đại dương cũng sẽ khiến mực nước biển dâng lên, gây ra các hiện tượng thời tiết ngày càng khốc liệt như bão. Từ đó, phần nào thấy được sự quan trọng của việc đo đếm chính xác tốc độ ấm lên của nước biển với việc dự đoán những tác động tương lai của biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Marie-José Messias tại Đại học Exeter cho biết, khi Trái Đất nóng lên, điều quan trọng là phải hiểu được sự phân tầng nhiệt độ từ bề mặt đến đáy của các đại dương. Điều này sẽ giúp ích cho việc đánh giá tình trạng mất cân bằng năng lượng của Trái Đất.
Ông Marie-José cho biết thêm: “Bên cạnh việc phát hiện ra xu hướng hấp thụ nhiệt lượng dư thừa của các đại dương, lượng nhiệt lượng mà các dòng hải lưu phân phối tại các khu vực là khác nhau. Sự phân bổ này là nguyên nhân chính gây ra sự ấm lên ở khu vực Bắc Đại Tây Dương”.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu hệ thống hải lưu của Dòng chảy ngược Kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC). Dòng chảy này không chỉ vận chuyển các dòng biển ấm từ vùng nhiệt đới lên phía Bắc bề mặt đại dương mà còn đưa các dòng biển lạnh xuống phía Nam đáy đại dương. Qua đó, có thể thấy rằng AMOC đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao nhiệt lượng từ vùng này sang vùng khác.
Theo Tiến sĩ Marie-José, 1/4 lượng nhiệt dư thừa của các đại dương Nam bán cầu đang được chuyển giao sang vùng Bắc Đại Tây Dương.
Nghiên cứu đã sử dụng các bản ghi nhiệt độ và các loại chất “đánh dấu” hóa học để khám phá sự thay đổi của đại dương trong quá khứ.
Phạm Hoa
https://www.sciencedaily.com/releases/2022/05/220517083048.htm