Hưởng ứng Tuần lễ Phòng chống thiên tai: Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai
Tài nguyên - Ngày đăng : 11:28, 19/05/2022
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn TS. Trần Quang Hoài - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT - Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN&PTNT) xung quanh chủ đề này.
PV: Thưa ông, Tuần lễ Quốc gia PCTT và kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống PCTT năm nay có chủ đề: Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai. Tại sao chúng ta chọn chủ đề này?
Ông Trần Quang Hoài:
Việc lựa chọn chủ đề của Tuần lễ quốc gia PCTT năm nay là “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai” nhằm nhấn mạnh mục tiêu nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2022.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về PCTT đến người dân tại cơ sở, hướng tới xây dựng một xã hội an toàn, bền vững trước thiên tai.
PV: Vai trò của cộng đồng trong PCTT được thể hiện như thế nào trong những năm qua? Và một cộng đồng bền vững là một cộng đồng như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Quang Hoài:
Cộng đồng đóng vai trò chủ thể của mọi hoạt động tại địa phương và được thể hiện qua việc: Họ biết rõ các khó khăn, thách thức và nhu cầu, mong muốn của mình cũng như hiểu tiềm năng, lợi thế và đặc biệt, biết cách huy động và gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau. Do đó, sự tham gia của cộng đồng trong công tác PCTT là rất quan trọng.
Chúng ta có thể nhận thấy, trong thời gian qua, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, ở những nơi mà người dân tích cực tham gia PCTT và từng hộ gia đình có sự chuẩn bị tốt hơn trước thiên tai thì thiệt hại giảm thiểu đáng kể, đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả phương châm “Bốn tại chỗ”.
Trong PCTT, cộng đồng bền vững là cộng đồng có đầy đủ năng lực để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, chuẩn bị tốt phương châm “Bốn tại chỗ”. Ở đây phải kể đến người dân, các cấp chính quyền được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về PCTT; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai có sự tham gia của cộng đồng; có lực lượng xung kích cơ sở được tập huấn, trang bị các phương tiện, trang thiết bị phù hợp; có hệ thống thông tin, cảnh báo; công trình PCTT như: đê điều, hồ đập, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền, các tuyến đường giao thông, công trình tránh trú đảm bảo an toàn; ….
Bên cạnh đó, một cộng bền vững còn phải được kể đến các khía cạnh như phát triển sinh kế bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo y tế, giáo dục, giữ gìn tốt môi trường tự nhiên và văn hóa, phát huy giá trị tri thức bản địa,… để góp phần tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng trước các rủi ro thiên tai.
PV. Vậy, theo ông chúng ta phải làm gì để nâng cao năng lực cộng đồng, góp phần hình thành cộng đồng bền vững? Và những khó khăn, thách thức đang gặp phải là gì?
TS. Trần Quang Hoài:
Thời gian qua, Nhà nước, nhân dân và các tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều giải pháp, hành động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền thông về PCTT. Một số hoạt động cụ thể như: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, cơ chế về nâng cao năng lực cộng đồng, trong đó, phải kể đến Luật PCTT, Chiến lược Quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030,… Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCTT. Xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn, đào tạo tập huấn, các tài liệu chính khảo và tham khảo về PCTT. Tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực cộng đồng.
Bên cạnh đó là các hoạt động thúc đẩy, triển khai đánh giá rủi ro thiên tai có sự tham gia của người dân. Đưa giáo dục về PCTT vào hệ thống trường học, trong đó, quan tâm tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cho đối tượng trẻ em. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, truyền thông, cải tiến, đổi mới nội dung thông tin, truyền thông đến cộng đồng, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương và đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước cho công tác nâng cao năng lực cộng đồng. Lồng ghép các nội dung nâng cao năng lực cộng đồng vào các chương trình mục tiêu quốc gia như “Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Trong quá trình thực hiện, cũng còn gặp phải một số khó khăn, thách thức như diễn biến thiên tai ngày càng gia tăng cả về cường độ và tính bất thường. Nhận thức của một số bộ phận cộng đồng người dân còn hạn chế, bất cập, thiếu đồng đều; thiếu các hình thức và sự quan tâm cao các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cụ thể cho các nhóm đối tượng, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số. Chính sách cụ thể để người dân, trong đó, có các doanh nghiệp chủ động tham gia vào công tác PCTT còn thiếu và bất cập. Nguồn kinh phí cho công tác phòng ngừa, trong đó, có hoạt động nâng cao nhận thức còn hạn chế…
PV: Thời gian tới, Tổng cục có giải pháp nào để tiếp tục thúc đẩy vai trò của cộng đồng trong PCTT, thưa ông?
Ông Trần Quang Hoài:
Trước những thách thức và yêu cầu mới, để tiếp tục thúc đẩy vai trò của cộng đồng trong PCTT, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp: Tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, những người làm công tác PCTT, doanh nghiệp và người dân với phương châm “phòng ngừa là chính”. Đẩy mạnh hỗ trợ, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCTT, xác định các rủi ro thiên tai và giải pháp ứng phó phù hợp cho từng nhóm cộng đồng người dân và khu vực, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số.
Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức truyền tải, phổ biến như hoạt động đào tạo, tập huấn, diễn tập PCTT; hoạt động thông tin, tuyên truyền, truyền thông, phổ biến kiến thức; hưởng ứng các Ngày lễ về PCTT; các hội thảo, hội nghị, tọa đàm chia sẻ các bài học kinh nghiệm mới và kinh nghiệm dân gian; cập nhật, đổi mới và xây dựng các tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật nâng cao nhận thức. Tiếp thu, nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ thông tin, các công cụ hỗ trợ cho người dân. Nghiên cứu thí điểm và tổ chức thực hiện xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai tại cộng đồng, xây dựng và tăng sự tiếp cận sử dụng các bản đồ rủi ro thiên tai, bản đồ quy hoạch, sử dụng đất.
Phát huy, nhân rộng các bài học tốt trong cộng đồng người dân trong đó có các giải pháp truyền thống và giáo dục qua các hình ảnh, tư liệu, sự kiện thiên tai lịch sử. Rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách, các quy định để tăng sự chủ động tham gia, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng người dân. Sắp xếp, huy động và xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện công tác nâng cao năng lực bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước, quỹ PCTT, sự hỗ trợ của các tổ chức, các nhân trong nước và quốc tế, huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, người dân; lồng ghép vào các chương trình, dự án có liên quan để triển khai thực hiện: chương trình nông thôn mới,…
Nếu chúng ta tổ chức thực hiện được các giải pháp nêu trên, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, sức chống chịu của cộng đồng và góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn trước thiên tai, góp phần phát triển bền vững đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!