Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng hiện nay

Thời sự - Ngày đăng : 09:42, 19/05/2022

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong công tác xây dựng Đảng, việc thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC) có vai trò, ý nghĩa quyết định đối với chế độ hoạt động, lãnh đạo của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm đương sứ mệnh “một Đảng cầm quyền”, lãnh đạo Nhà nước và xã hội thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc TTDC trong tổ chức và hoạt động của Đảng

t2(1).jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Ảnh: TTXVN

TTDC là một nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng và hoạt động của Đảng Cộng sản, nguyên tắc này được nhận thức một cách khoa học, cụ thể, có hệ thống trong học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; trở thành một nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức, xây dựng và hoạt động của Đảng Cộng sản, của Nhà nước vô sản và của các tổ chức chính trị - xã hội khác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. V.I.Lênin đã từng chỉ ra: “Chủ nghĩa xã hội thắng lợi nhất định phải thực hiện chế độ dân chủ hoàn toàn” “1”. Mục đích của thực hiện TTDC là nhằm bảo đảm cho chính đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị khác của giai cấp công nhân có khả năng động viên tính chủ động, sáng tạo, trí tuệ, nhiệt tình cách mạng, ý thức làm chủ thật sự đối với xã hội, với đất nước của toàn dân tộc vào thực hiện mục đích chung, thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước XHCN, dưới sự lãnh đạo của một chính đảng tiên phong của giai cấp công nhân.

Trong tư tưởng về xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trong đó có nguyên tắc TTDC. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Toàn thể đảng viên, toàn thể các cấp, tổ chức thống nhất là theo một nguyên tắc nhất định, nguyên tắc ấy tức là: dân chủ tập trung” “2”. Người còn gọi đây là “Chế độ dân chủ tập trung của Đảng”, chỉ rõ đây là nguyên tắc lãnh đạo, nguyên tắc tổ chức cao nhất, là chế độ lãnh đạo của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, “Tập trung trên nền tảng dân chủ” và “Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung” “3”. “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung” “4”. Giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách có mối quan hệ chặt chẽ và không đối lập nhau. Khi thực hiện nguyên tắc TTDC, Hồ Chí Minh lưu ý, mọi đảng viên phải tuân theo kỷ luật của Đảng, cá nhân phải phục tùng tổ chức, bộ phận phải phục tùng toàn thể, số ít phục tùng số nhiều, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng Trung ương, tất cả đảng viên phải phục tùng vô điều kiện Nghị quyết của Đảng.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “Để làm cho Đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật” “5”. Phải chú ý chống lại căn bệnh độc đoán chuyên quyền, hay ngược lại, dựa dẫm vào tập thể, không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm. Vì lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ, dẫn tới kết quả cũng là hỏng việc. Tập trung và dân chủ là hai mặt của nguyên tắc TTDC. Đây là nguyên tắc lãnh đạo, là chế độ lãnh đạo của Đảng. Không thể hình dung một đảng chân chính và cách mạng mà lại xa rời nguyên tắc quan trọng và cốt yếu này.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc TTDC trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc TTDC trong tổ chức và hoạt động của Đảng cho thấy, hơn 90 năm qua, Đảng ta đã được tổ chức xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc TTDC. Nhờ vậy, Đảng luôn giữ vững được sự thống nhất về ý chí và hành động, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

TTDC là nguyên tắc chỉ đạo của cơ cấu tổ chức của Đảng, cũng là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng. Về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các văn kiện, Điều lệ, Đảng trước hết đề cập và nhấn mạnh nguyên tắc “TTDC, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), khi bàn về “Hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng” đã nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời, là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy TTDC làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”. Điều lệ Đảng (2011) xác định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Điều 9 Điều lệ Đảng chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc TTDC”. Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, thực tiễn việc thực hiện nguyên tắc TTDC trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua các nhiệm kỳ đại hội và những năm đổi mới vừa qua, Đại hội XIII của Đảng đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó có nội dung trong bài học là “thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng” “6”.

Yêu cầu nhiệm vụ chính trị của nước ta hiện nay rất to lớn, nặng nề, khó khăn, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Muốn vậy, phải nhận diện cho đúng và kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trong đó có nguyên tắc TTDC, như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp” “7”.

Trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc TTDC trong mọi hoạt động của Đảng trở nên quan trọng, cấp thiết, là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định đến uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự thành, bại của cách mạng. Điều đó đòi hỏi Đảng phải nhận thức sâu sắc hơn nữa nội dung và giá trị lý luận và thực tiễn tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc TTDC, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, “Kiên định những nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng” trong sự vận hành của cơ chế chính trị “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Tuân thủ đúng đắn, bảo vệ nguyên tắc TTDC, kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng chống mọi biểu hiện xa rời, buông lỏng, xem nhẹ nguyên tắc ấy là thể hiện rõ ràng nhất tính đảng, bản lĩnh, phẩm chất của mọi tổ chức đảng và của người cán bộ, đảng viên trong điều kiện hiện nay.

1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M.1981, tập 30, tr.323.

2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr.286.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.620.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.287.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam:

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, Tập I, tr.26-27.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam:

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, Tập II, tr.225.

PGS.TS Đỗ Xuân Tuất - Học viện CTQG Hồ Chí Minh