Bất cập trong quản lý đất nông - lâm nghiệp tại huyện Hoà Vang (TP.Đà Nẵng) Bài 2: Chính quyền xã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý?

Đất đai - Ngày đăng : 19:03, 18/05/2022

(TN&MT) - Trăm kiểu “hô biến” đất nông – lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hoà Vang không chỉ khiến đất bị biến dạng mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, cán bộ địa chính cũng như chính quyền không có hướng dẫn và quy hoạch từ đầu để người dân thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật đất đai.

Tiếp diễn các vi phạm

Khi thực hiện chuyên đề này vào tháng 5/2022, nhóm PV ghi nhận bên cạnh các khu du lịch trái phép đã đi vào hoạt động, trên địa bàn thôn Nam Yên (xã Hoà Bắc) nhiều lều trại, cổng ngõ của các khu du lịch tự phát vẫn đang tiếp tục được dựng lên bất chấp sự quản lý của cơ quan chức năng. Phải chăng có sự “bật đèn xanh” của chính quyền nên người dân vẫn tiếp tục dựng lều trại, tái diễn hành vi xây dựng trái phép?!

bai2-1.jpg
Bất chấp sự quản lý của cơ quan chức năng, nhiều khu du lịch sinh thái trái phép vẫn tiếp tục được "dựng" lên 

Hơn nữa, hầu hết các khu du lịch này đều có bảng hiệu chỉ dẫn công khai và được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội. Đành rằng người dân không biết mình đang xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chính quyền địa phương thì không thể biết mà lại không hướng dẫn để họ chuyển đổi theo đúng quy định của pháp luật mà chỉ xử phạt rồi lại cho hoạt động tiếp diễn sai phạm! Điều này còn kéo theo hệ luỵ, người dân từ khắp nơi đổ về Hoà Vang gom mua đất nông nghiệp, đất vườn phân lô bán nền, gây xáo trộn cuộc sống vốn bình yên ở vùng thôn quê.

Ông T., một người dân ở xã Hoà Bắc muốn làm trang trại trên đất rừng nhưng không được địa phương cho phép chia sẻ với chúng tôi: Tôi xây cái bờ rào, bậc tam cấp để giữ đất và đi lại cho tiện thì bị đập liền nhưng nhiều trang trại vẫn xây dựng rất quy mô, thay đổi diện mạo đất, cho xe cơ giới, máy trộn bê tông vào bạt núi, xây kè, làm đường nội bộ nhưng lại không bị gì. Chúng tôi thắc mắc sao có sự phân biệt như vậy thì ông T. cho biết: “Bên họ chung chi thì làm được, mình không chung chi thì vừa đổ xe cát, đá buổi sáng, buổi chiều có cán bộ ghé thăm nhắc nhở ngay!”

bai2-4.jpg
Quán cà phê mọc trên đất nông nghiệp vi phạm các quy định của Luật đất đai

Từ năm 2020, khi có công văn số 5845/BTNMT-TCQLĐĐ của Bộ TN&MT về việc kiểm tra rà soát các vi phạm pháp luật đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn số 7893/UBND – STNMT chỉ đạo UBND các quận, huyện trên địa bàn rà soát, ngăn chặn, chấn chỉnh các trường hợp có thể xảy ra vi phạm. Đồng thời, giao Thanh tra TP thanh tra toàn diện công tác quản lý nhà nước đối với đất lâm nghiệp trên địa bàn. UBND huyện Hoà Vang cũng trực tiếp chỉ đạo phòng TN&MT rà soát, chấn chỉnh các địa điểm xây dựng nhà ở công trình trên đất lâm - nông nghiệp tại địa bàn.

Rõ ràng, các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý đất lâm nghiệp thì không thiếu, vậy nhưng thực thế ghi nhận, hoạt động chuyển nhượng, xây dựng trái phép trên đất nông – lâm nghiệp tại các xã Hoà Bắc, Hoà Phú, Hoà Nhơn vẫn diễn ra. Phải chăng vì có sự “bật đèn xanh”, cố tình làm ngơ trong công tác quản lý của cán bộ xã mà theo ghi nhận của nhóm PV, diện tích đất rừng chuyển nhượng “chui” và sử dụng trái phép ở Hoà Vang còn vượt con số mà UBND các xã đã xử phạt.

bai2-3.jpg
Người dân còn tự ý cải tạo xây dựng hồ bơi, hòn non bộ ngay trên đất rừng sản xuất để khai thác du lịch

Làm việc với chính quyền Hoà Bắc cho biết, thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, tiến hành tháo dỡ các trường hợp vi phạm luật đất đai theo đúng tinh thần của Nghị quyết 82/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND TP Đà Nẵng cho phép thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang (trong đó có xã Hòa Bắc), nhấn mạnh yếu tố không có lưu trú. Tuy nhiên, “ai làm nấy chịu”, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chính quyền cấp xã khi ngay từ đầu phát hiện vi phạm mà không ngăn cản đến khi hình thành thì lại chọn giải pháp “tháo dỡ” thay vì “tháo gỡ”. Không thể để người dân “trắng tay” chỉ sau một đêm chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của chính quyền!

Buông lỏng quản lý từ cấp xã?

Theo bà Lê Thị Phước Oanh, Phó phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hoà Vang, đặc thù của Hoà Vang đất nông - lâm nghiệp chiếm diện tích lớn, trước khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực thì công tác quản lý đất đai trên địa bàn có nhiều bất cập hạn chế nhất định do yếu tố lịch sử để lại. Thời điểm đó việc quản lý đất lâm nghiệp mang tính thủ công chứ không cập nhật số liệu số hoá như hiện nay đã đi vào nề nếp, chủ yếu sử dụng bản đồ giấy, hồ sơ lưu trữ không trùng khớp với thực địa gây những tồn tại khó khăn đến giờ cũng chưa tháo gỡ được.

bai2-2.jpg
Ngôi nhà bê tông kiên cố được xây dựng trên đất lâm nghiệp ở xã Hoà Nhơn đến khi chính quyền xã phát hiện thì việc đã rồi!

Ngoài ra, đối với đất rừng sản xuất trên địa bàn huyện Hoà Vang vẫn còn nhiều trường hợp chưa được cấp GCN QSDĐ dẫn đến việc người dân tự ý mua bán giấy viết tay, không cần xác nhận của chính quyền địa phương gây khó khăn cho công tác quản lý.

Trả lời về việc tự ý mua bán, chuyển đổi mục đích trái phép đất nông- lâm nghiệp của người dân trên địa bàn huyện có nắm bắt được hay không? Bà Oanh khẳng định, việc tự ý chuyển đổi mục đích đang diễn ra trên địa bàn huyện Hoà Vang là có và trái quy định pháp luật. Với vai trò là đơn vị quản lý tài nguyên - môi trường cấp huyện nhưng hiện nay lực lượng theo dõi lĩnh vực đất đai mỏng chỉ với 2 con người nên không thể rải đều 11 xã để thường xuyên kiểm tra, phải “buông lỏng”. Điều này buộc cấp xã phải là đơn vị nắm rõ thông tin, sai phạm báo cáo lên cấp huyện để vào cuộc chấn chỉnh, xử lý.

bai2-5.jpg
Một nhà vườn xây dựng trái phép đã bị chính quyền xã Hoà Nhơn xử phạt 

“Thông tin cơ sở là cấp xã gần dân nhất, có nhất cử nhất động chi thì địa phương là người biết trước, huyện cũng trên cơ sở báo cáo của xã, huyện thì cũng đi kiểm tra đột xuất và sẽ phát hiện, tuy nhiên cơ bản UBND xã là cấp cơ sở phải chủ động tăng cường công tác quản lý có vấn đề phát sinh thì phải báo lên huyện để huyện kip thời xử lý hiện nay có tồn tại”- bà Oanh nói.

Cũng theo bà Oanh, trong quá trình quản lý nếu huyện phát hiện việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử lý theo Nghị định 91 là buộc phôi khục lại hiện trạng ban đầu. Còn những công trình tồn tại do vấn đề lịch sử để lại thì hiện nay UBND huyện đã chỉ đạo và sẽ xử lý trong thời gian đến, lập lại trật tự nề nếp trong việc tự ý chuyển đổi mục đích đất nông - lâm nghiệp.

Nhóm PV miền Trung