Bộ TN&MT lấy ý kiến 10 tỉnh, thành phía Nam về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 13:00, 17/05/2022
Cùng dự có đại diện cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ TN&MT, gồm: Tổng cục Quản lý đất đai, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; cùng đại diện lãnh đạo UBND, Sở TN&MT và các Sở ngành liên quan của 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và Bến Tre.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết: Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, dự thảo Luật Đất đai đã được Bộ TN&MT gửi lấy ý kiến các địa phương. Đến nay, Bộ TN&MT đã nhận được ý kiến góp ý của các tỉnh, thành. Thường trực Tổ soạn thảo đã nghiên cứu tiếp thu một bước các ý kiến góp ý. Để có thêm cơ sở và làm sâu sắc thêm các luận cứ để đề xuất hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hôm nay, Bộ TN&MT phối hợp UBND tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về dự án Luật Đất đất đai (sửa đổi)”.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị, Hội thảo cần tập trung tham luận và thảo luận các vấn đề về thu hồi đất, nhất là thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để khai thác nguồn lực đất đai; thu hồi đất do vi phạm và thu hồi đất do bị chấm dứt theo quy định của pháp luật. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trong quá trình thu hồi đất, chuyển dịch đất đai để phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ.
Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng và việc cải cách thủ tục tục hành chính trong quá trình tổ chức thực hiện; về chính sách kinh tế, tài chính đất đai, giá đất; giải pháp chính sách cụ thể để vận hành các quan hệ đất đai theo nguyên tắc thị trường, để các chính sách này thực sự là công cụ quản lý đất đai hữu hiệu trong thời gian tới.
Đồng thời, tập trung thảo luận về chế độ quản lý, sử dụng đất khu, cụm công nghiệp; đất khu kinh tế; đất để phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn; đất thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh; sử dụng đất có mặt nước ven biển, vấn đề lấn biển. Những khó khăn bất cập sau thanh tra, kiểm tra và giải pháp. Và đi sâu vào các nội dung mang tính đặc thù của từng địa phương như đất tôn giáo, tín ngưỡng, chế độ sử dụng một số loại đất, vấn đề tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, hạn mức sử dụng đất…
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, Bộ TN&MT cũng mong muốn các đại biểu cho ý kiến các nội dung của dự thảo Nghị định mà Bộ đã gửi xin ý kiến các tỉnh, bên cạnh những nội dung đã có trong dự thảo Nghị định, đề nghị các đại biểu có thêm các ý kiến xem nội dung sửa đổi lần này đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương chưa, còn những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà cần tiếp tục tháo gỡ nữa hay không.
Tại Hội thảo, đại biểu 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ TN&MT xây dựng; đồng thời, tập trung thảo luận về những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật Đất đai về các nội dung như quy hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường; chế độ sử dụng đất nông nghiệp; hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; thu tiền sử dụng đất; xác định giá đất; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; công tác giải phóng mặt bằng...
Trong đó, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn còn có một số quy định của Luật Đất đai mâu thuẫn, chưa thống nhất với các luật khác, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Các đại biểu đề nghị các Bộ, ngành chức năng xem xét sửa đổi, bổ sung để có sự liên kết, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong triển khai, thực hiện. Ngoài ra, cần có chính sách ưu tiên việc sử dụng đất cho việc tích tụ, tập trung đất đai phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Bên cạnh đó, nên rà soát tổng thể, đánh giá toàn diện quy định pháp luật đất đai để có điều chỉnh, bổ sung, thay thế đáp ứng nhu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, có chủ trương khuyến khích, tập trung tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đồng bộ hóa các loại quy hoạch để tránh trường hợp vị trí thửa đất phù hợp với quy hoạch lĩnh vực này mà không phù hợp với quy hoạch lĩnh vực khác; hướng đến quy hoạch là một trong những cơ sở pháp lý cao nhất để sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm hài hòa giữa kinh tế - xã hội - môi trường và quốc phòng - an ninh của đất nước.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Nghị định. Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ nghiên tiếp thu để hoàn thiện các dự thảo Luật, đồng thời, trên cơ sở tài liệu hôm nay, đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu gửi văn bản để tiếp tục hoàn thiện, nhất là dự thảo Nghị định, qua đó, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc ở địa phương.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho hay, qua kết quả rà soát vướng mắc, chồng chéo, không đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương, các vướng mắc, bất cập do địa phương phản ánh và ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, Bộ TN&MT cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Đồng thời, song song với quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định của pháp luật đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.