Mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2022
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:39, 16/05/2022
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, thiên tai thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với xu thế ngày càng gia tăng, bất thường và khốc liệt, ảnh hưởng và gây thiệt hại ngày càng nặng nề đến tính mạng, tài sản, đời sống, sản xuất của người dân trong đó đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Trong vòng 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 1,0 - 1,5% GDP
Do tác động của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện với nguy cơ ngày càng gia tăng của các loại hình thiên tai như xói lở bờ sông, bờ biển với gần 700 điểm sạt lở, tổng chiều dài 275 km; hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên và ngày càng sâu hơn. Nguy cơ lũ cự hạn khi các hồ chứa thượng nguồn sông Mê Kông đã hết dung tích phòng lũ, phải bắt buộc đồng loạt xả lũ. Rừng ngập mặn đã và đang bị suy thoái, trung bình hàng năm làm mất gần 400 ha đất, rừng phòng hộ; mưa trái mùa kèm theo dông sét thường xuyên xảy ra; đồng thời, nguy cơ bão mạnh đổ bộ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
“Chúng ta còn nhớ cơn bão Linda năm 1997 đổ bộ vào Cà Mau đã làm hơn 3 nghìn người chết và mất tích, hơn 3 nghìn tàu thuyền bị chìm, gần 140 nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, hơn 300 nghìn ngôi nhà bị sập và hư hỏng nặng. Lũ lịch sử năm 2000, làm 481 người chết và mất tích và chỉ riêng tại Long An đã có 75.000 ha lúa bị mất trắng. Rồi tiếp theo đó là các trận lũ, ngập lụt lớn xảy ra vào năm 2010, 2011”, ông Trần Quang Hoài cho biết.
Thiên tai đã và đang trở thành một trong những mối hiểm họa lớn nhất của toàn nhân loại. Công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, đòi hỏi cần có sự chung tay, góp sức, sự quan tâm của toàn xã hội.
Theo ông Trần Quang Hoài, “Giảm nhẹ rủi ro”, “quản lý thiên tai” chú trọng công tác chuẩn bị, dự phòng một cách chủ động, tích cực, hướng đến giải pháp căn cơ, bền vững; phát huy vai trò của lực lượng xung kích cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ. Chuẩn bị, dự phòng không chỉ cho năm nay, hay năm sau, mà cần tầm nhìn xa hơn, cho nhiều năm về sau.
Các ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến luôn cần đến sự đầu tư tương xứng để nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo, giám sát, đánh giá rủi ro. Song, cần chú trọng việc kết hợp phân tích khoa học với các giải pháp quản lý thiên tai dựa vào năng lực cộng đồng, phát huy tri thức bản địa.
“Cộng đồng là chủ thể đóng vai trò quyết định, xuyên suốt quá trình quản lý rủi ro thiên tai, chính cộng đồng mới thông hiểu rõ nhất về các rủi ro thiên tai đang đối mặt, để chủ động tham gia vào các khâu lập kế hoạch và triển khai thực hiện, đúng như ý nghĩa chủ đề Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai năm nay được lựa chọn: Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn của trẻ em và Môi trường, UNICEF Việt Nam cho biết, trẻ em phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do thiên tai gây ra. Thiên tai tác động tiêu cực đến sức khỏe, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trẻ em đồng thời cũng là tác nhân tạo nên sự thay đổi đối với cuộc sống của chính các em và tương lai của cộng đồng và quốc gia. Do đó, nâng cao nhận thức và kỹ năng để trẻ em có thể tham gia vào quá trình chuẩn bị và ứng phó với thiên tai sẽ mang lại kết quả bền vững và lâu dài.
Buổi lễ kỷ niệm là một trong những hoạt động thuộc dự án nhằm tăng cường khả năng ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em do UNICEF và chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. “Trẻ em thuộc các đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những vấn đề như vệ sinh không được đảm bảo, thiếu lương thực, khó tiếp cận với chăm sóc y tế hay giáo dục khi có thiên tai xảy ra. Chúng ta cần phải ngăn chặn những tình trạng đó”, ông Jin Toriyama, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, đồng thời nhấn mạnh: “Không những thế, chúng ta cũng cần lưu ý và khuyến khích vai trò quan trọng của trẻ em trong gia đình và cộng đồng địa phương trong việc phòng chống thiên tai”.
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam bày tỏ cam kết hành động của địa phương về việc nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt chú ý tới đối tượng trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.
“Phòng, chống thiên tai là công tác đòi hỏi sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn, báo chí và toàn cộng đồng. Thông qua hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Phòng, chống thiên tai tại tỉnh Sóc Trăng, tôi hy vọng chính quyền các cấp và người dân, đặc biệt là trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, những mầm xanh tương lai của đất nước sẽ tăng cường nhận thức, hiểu biết về thiên tai và công tác phòng, chống thiên tai, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai”, ông Vương Quốc Nam nhấn mạnh.
Buổi lễ là một trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về Phòng, chống thiên tai diễn ra từ 15- 22/5/2022 được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng. Các hoạt động khác bao gồm: Cuộc thi vẽ tranh ngoại khóa dành cho học sinh khối tiểu học và Cuộc thi Rung chuông vàng “Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững” dành cho học sinh khối trung học cơ sở của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lai Hòa do Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và UNICEF Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức.
Cả hai cuộc thi sau khi phát động đều thu hút được 100% học sinh nhà trường tham dự tranh tài sôi nổi, trở thành sân chơi bổ ích cho các em được học tập, bổ sung kiến thức. Đây là tiền đề để phổ biến và nhân rộng các cuộc thi tới nhiều trường học trên các địa phương khác của tỉnh, khu vực và toàn quốc.