NASA phát hiện hiện tượng đảo nhiệt trong đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Ấn Độ
Thế giới - Ngày đăng : 16:19, 13/05/2022
Một đợt nắng nóng không ngừng đã bao trùm Ấn Độ và Pakistan kể từ giữa tháng 3/2022, khiến hàng chục người chết, hỏa hoạn, ô nhiễm không khí gia tăng và giảm năng suất cây trồng. Dự báo nắng nóng sẽ không có khả năng giảm thiểu.
Thiết bị đo bức xạ nhiệt hệ sinh thái trên trạm vũ trụ (ECOSTRESS) của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đo các nhiệt độ từ không gian, ở độ phân giải không gian cao nhất so với bất kỳ thiết bị vệ tinh nào.
Hình ảnh trên được chụp ngay trước nửa đêm ngày 5/5 (theo giờ địa phương), cho thấy các khu vực đô thị và vùng đất nông nghiệp phía Tây Bắc Delhi (khu vực màu đỏ lớn ở phía dưới bên phải) là nơi sinh sống của khoảng 28 triệu người. Hình ảnh bao trùm diện tích khoảng 12.350 km2.
Các thành phố thường ấm hơn rõ rệt so với các vùng nông thôn xung quanh do các hoạt động của con người và các vật liệu được sử dụng trong môi trường xây dựng. Hình ảnh phác họa rõ ràng những "đảo nhiệt" đô thị này.
Theo đó, nhiệt độ vào ban đêm ở Delhi và một số ngôi làng nhỏ hơn vào khoảng 35 độ C, đạt đỉnh khoảng 39 độ C, trong khi các khu vực nông thôn gần đó trải qua thời tiết lạnh, chỉ 15 độ C. Số liệu này cho thấy rằng cư dân thành phố đang trải qua nhiệt độ cao hơn đáng kể so với nhiệt độ trung bình được ghi nhận tại các khu vực của họ.
ECOSTRESS đo nhiệt độ của mặt đất, rất giống với nhiệt độ không khí vào ban đêm. Thiết bị được phóng lên trạm vũ trụ vào năm 2018. Nhiệm vụ chính của nó là xác định các ngưỡng sử dụng nước và căng thẳng về nước của thực vật, cung cấp cái nhìn sâu sắc về khả năng thích ứng với khí hậu ấm lên của chúng.
Tuy nhiên, ECOSTRESS cũng ghi lại các hiện tượng khác liên quan đến nhiệt, như đợt nắng nóng này. Với kích thước pixel khoảng 70 mét x 38 mét, hình ảnh có độ phân giải cao đóng vai trò như một công cụ mạnh mẽ để hiểu rõ các khía cạnh của hiện tượng thời tiết mà các mạng quan sát truyền thống có thể bỏ qua.