Những nghiên cứu khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu nổi bật 10 năm qua

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:54, 12/05/2022

Ngày 12/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo Tổng kết, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nổi bật của Viện giai đoạn 2011-2021, xây dựng định hướng chính về phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực KTTVBĐKH đến năm 2030.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết: Thời gian qua, Viện KTT&VBĐKH đã vượt qua nhiều khó khăn, phấn đấu đạt nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực công tác.

z3408891330556_808274539a2d7345f254aad586290611.jpg
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Viện đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu quy luật tự nhiên cơ bản về khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu; nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, chính sách, pháp luật về khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu; tổ chức thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường và biến đổi khí hậu.

Giai đoạn từ năm 2011 - 2021, Viện đã thực hiện gần 20 đề tài cấp Nhà nước, 44 đề tài cấp Bộ và các đề tài cấp cơ sở. Trong đó, một số nghiên cứu nổi bật như: Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo hạn hán cho Việt Nam với thời hạn đến 3 tháng; Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự biến đổi tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long; Nghiên cứu phát triển bộ chỉ số thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu… Các nghiên cứu về dự báo các yếu tố khí tượng, thủy văn, đã được đưa vào ứng dụng nghiệp vụ góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng, thủy văn.

z3408890980413_70f48d5629099869ba65d98e60d93a75.jpg
Quang cảnh hội thảo

Các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học, thực tiễn, đã và đang được ứng dụng trong các đơn vị trong và ngoài Bộ, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu – Phó Viện trưởng Phạm Thị Thanh Ngà nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã chia sẻ những nghiên cứu nổi bật trong các lĩnh vực Khí tượng Khí hậu, Khí tượng Nông nghiệp và Biến đổi khí hậu. Có thể kể đến: Nghiên cứu dự báo hoạt động của gió mùa mùa hè trên khu vực Việt Nam bằng mô hình động lực; Nghiên cứu ảnh hưởng nhiệt độ bề mặt nước biển đến cường độ và quỹ đạo của bão trên Biển Đông; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS để phân vùng khí hậu nông nghiệp ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Nghiên cứu xác định bộ chỉ tiêu và xây dựng mô hình khí hậu phục vụ cảnh báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên người ở một số tỉnh vùng miền núi phía Tây Bắc; Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng quy trình xác định cấp độ rủi ro thiên tai do bão, áp thấp nhiệt đới và nước dâng do bão; Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn, áp dụng thử nghiệm cho khu vực Nam Bộ; Nghiên cứu phương pháp kỹ thuật xác định vị trí, thời gian, nguồn gốc dầu tràn phục vụ hỗ trợ xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu…

Trong các lĩnh vực Thủy văn, Hải văn và Môi trường, các nhà khoa học đã chia sẻ về: Nghiên cứu thiết kế và thử nghiệm thiết bị quan trắc bụi di động nhằm xây dựng bản đồ ô nhiễm bụi cho các đô thị ở Việt Nam - Áp dụng thí điểm tại Thành phố Hà Nội; Nghiên cứu cơ sở khoa học tính toán bồi lắng hệ thống hồ chứa bậc thang. Áp dụng thí điểm cho sông Đà; Nghiên cứu xây dựng công nghệ dự báo tài nguyên nước mặt phục vụ lập kế hoạch sử dụng nước cho lưu vực sông Ba và sông Kôn ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và lập bản đồ phân bố lắng đọng axít tại Việt Nam; Nghiên cứu đánh giá tác động của thay đổi sử dụng đất đến tài nguyên nước mặt lưu vực sông SêSan và Sêrêpôk; Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để cảnh báo và đề xuất giải pháp kiểm soát ngập lụt ở lưu vực sông Bàn Thạch; Nghiên cứu ảnh hưởng của ENSO tới các yếu tố khí tượng thủy văn và môi trường biển trên khu vực Biển Đông phục vụ công tác dự báo và quản lý môi trường biển…

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị thuộc Viện đã cùng trao đổi, thảo luận về thuận lợi, khó khăn, thách thức trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thời gian qua. Đồng thời, đề xuất những định hướng xây dựng định hướng chính về phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực KTTVBĐKH đến năm 2030, vẫn dựa trên 4 trụ cột là khí tượng – khí hậu và ứng dụng, môi trường, biến đổi khí hậu, thủy văn và hải văn. Viện sẽ xây dựng chùm đề tài liên hoàn từ cấp quốc gia, cấp Bộ đến cấp cơ sở, phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường, lồng ghép đạt được mục tiêu thích ứng BĐKH và Net zero về giảm phát thải các-bon. Trong thời gian tới, các nghiên cứu sẽ hướng nhiều hơn đến nhu cầu người dùng trong xã hội, đa dạng hoá sản phẩm dự báo và phát triển dịch vụ.

Khánh Ly