Vi nhựa mang mầm bệnh từ đất liền ra biển

Thế giới - Ngày đăng : 15:13, 12/05/2022

(TN&MT) - Theo một nghiên cứu từ Đại học California Davis (Mỹ), vi nhựa là một trong những con đường lan truyền mầm bệnh từ đất liền ra đại dương, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và động vật biển.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports đã chỉ ra mối liên quan giữa vi nhựa (những mảnh nhựa siêu nhỏ) trong đại dương với các mầm bệnh trên đất liền. Theo đó, mầm bệnh thường tập trung ở các khu vực đại dương bị ô nhiễm nhựa.

Karen Shapiro - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm kiêm Phó Giáo sư tại Trường Thú y UC Davis thuộc Đại học California Davis cho biết: “Bạn có thể thấy những vấn đề về nhựa không đáng để bận tâm. Tuy vậy, khi nhắc đến sức khỏe, bạn sẽ có thêm động lực để hành động. Thực tế là vi nhựa hoàn toàn có thể mang mầm bệnh nhiễm vào nước và thức ăn của chúng ta".

Vi sợi - sát thủ vô hình

Vi nhựa là những mảnh nhựa siêu nhỏ chưa đến 5mm. Bằng cách tồn tại trên vi nhựa, mầm bệnh có thể phân tán khắp đại dương. Các mầm bệnh được nghiên cứu gồm Toxoplasma gondii, Cryptosporidium (Crypto) và Giardia xuất phát từ các động vật có vỏ như tôm, cua, sò, hến… Những mầm bệnh này được Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận là có khả năng gây bệnh cho người và động vật.

t16.png

Nữ sinh viên Emma Zhang, một trong những tác giả của nghiên cứu mối liên kết vi hạt nhựa trên biển với mầm bệnh trên đất liền đang làm việc trong phòng thí nghiệm tại Trường Thú y UC Davis. Nguồn: UC Davis

Trong đó, T. gondii là một loại ký sinh trùng gây bệnh toxoplasmosis chỉ có trong phân mèo hoặc thịt bị nhiễm bệnh. Loại ký sinh trùng này khi lây nhiễm sẽ làm chết rái cá biển và các động vật hoang dã bao gồm cả cá heo Hector và hải cẩu tu sĩ Hawaii. Ở người, bệnh toxoplasmosis có thể gây nhiễm trùng suốt đời hay tử vong đối với người có hệ miễn dịch kém. Đối với phụ nữ mang thai, căn bệnh này có thể gây sẩy thai hoặc khiến đứa trẻ ra đời trong tình trạng mù lòa, thần kinh không ổn định.

Crypto và Giardia gây ra bệnh đường tiêu hóa hoặc gây tử vong ở trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch.

Emma Zhang - tác giả của nghiên cứu và cũng là sinh viên năm 4 của Trường Thú y UC Davis cho biết: “Đây là một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến cả con người và động vật. Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa người, động vật và môi trường để giải quyết vấn đề lớn đang đe dọa đại dương của chúng ta”.

Các tác giả của nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm để kiểm tra xem liệu các ký sinh trùng gây bệnh này có thể bám vào bề mặt nhựa trong bước biển hay không. Họ đã sử dụng hai loại vi nhựa khác nhau là vi hạt polyetylen và vi sợi polyester. Vi hạt thường có trong mỹ phẩm như chất tẩy tế bào chết và chất tẩy rửa, trong khi vi sợi có trong quần áo và lưới đánh cá.

Từ đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng có nhiều ký sinh trùng bám trên các vi sợi hơn là các vi hạt, mặc dù cả hai loại nhựa này đều có thể mang mầm bệnh trên đất liền. Kết quả này rất quan trọng vì vi sợi là loại vi nhựa phổ biến nhất được tìm thấy trong các vùng đại dương, các bãi ven biển và trong cả hải sản.

Chia sẻ biện pháp giảm tác động của vi nhựa

Nhựa giúp mầm bệnh dễ dàng tiếp cận động vật biển, tùy thuộc vào hạt nhựa chìm hay nổi. Các vi nhựa nổi dọc theo bề mặt nước biển có thể di chuyển đến khoảng cách rất xa so với đất liền, mang mầm bệnh đến những vùng mà con người thậm chí còn không thể tiếp cận được. Mặt khác, vi nhựa chìm lại tập trung mầm bệnh xuống đáy biển - nơi sinh sống của các loài trai, sò, bào ngư và các động vật có vỏ khác.

Phó Giáo sư Shapiro cho hay, nhựa trong nước biển sẽ đánh lừa các loại động vật không xương sống vô tình ăn phải. Các nghiên cứu tới đây sẽ kiểm tra xem hàu sống trong bể có vi nhựa có nhiễm nhiều mầm bệnh hơn so với hàu sống trong bể không vi nhựa hay không.

Đồng tác giả Chelsea Rochman - một chuyên gia về ô nhiễm nhựa và cũng là trợ lý Giáo sư sinh thái học tại Đại học Toronto (Canada) đã chia sẻ một số biện pháp giúp giảm tác động của vi nhựa trong đại dương. Rochman cho rằng, các vi sợi thường được thải ra trong máy giặt và trôi ra biển thông qua hệ thống nước thải.

Công trình nghiên cứu này sẽ cho thấy tầm quan trọng của việc ngăn chặn các nguồn vi nhựa tiếp cận đại dương. Theo bà Rochman, các chiến lược giảm nhựa bao gồm nâng cấp bộ lọc máy giặt, bộ lọc máy sấy, tế bào hấp thụ sinh học hoặc các công nghệ khác để xử lý nước mưa và ngăn chặn sự giải phóng vi nhựa từ các ngành công nghiệp nhựa và công trường xây dựng.

Luôn có mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe động vật, môi trường và con người. Mặc dù nghiên cứu chỉ cho thấy ảnh hưởng của vi nhựa đến các loài động vật trong đại dương, nhưng đối tượng gián tiếp chịu hậu quả luôn là sức khỏe con người.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Hội đồng Bảo vệ Đại dương và chương trình California Sea Grant, với sự hỗ trợ tài chính của sinh viên từ Chương trình Đào tạo Sinh viên Y học Thú y UC Davis về Nghiên cứu Nâng cao và chương trình STAR.

Hoài Phương - Tổng hợp từ UC Davis