Giữ cho "đất sạch"

Đất đai - Ngày đăng : 14:52, 12/05/2022

(TN&MT) - Minh bạch, công khai về đất đai không những đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong quá trình sử dụng đất, thu hút đầu tư mà còn góp phần hạn chế tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ quản lý.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn về thực trạng quản lý đất đai hiện nay. Từ những vấn đề Tổng Bí thư đặt ra, thiết nghĩ, các cấp, các ngành phải nghiêm túc soát xét, kiểm điểm đánh giá cho đúng để trả lời rõ được các câu hỏi này. Nếu không, những khuất tất trong quá trình sử dụng đất đai sẽ tiếp tục nối dài dẫn đến nhiều hệ lụy đối với đời sống xã hội.

Dễ nhận thấy nhất là sự trục lợi từ đất, tiềm ẩn những nguy cơ về tham nhũng, tội phạm từ đất ngày càng bành trướng. Đáng lo ngại hơn, việc quy hoạch sử dụng đất và thực hiện quy hoạch không tốt sẽ làm méo mó thị trường đất đai, nhà đất bị “làm giá” khác xa giá trị thực... Cũng chính việc này khiến tình trạng xây dựng diễn ra lộn xộn, tùy tiện, vi phạm gia tăng. Ở không ít dự án, sau khi thu hồi đất, người dân đã bị đẩy vào tình thế bấp bênh về sinh kế, mờ mịt về tương lai khi các yêu cầu về bảo đảm điều kiện tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm mới không được thực hiện theo đúng quy định.

khu-do-thi-moi-thu-thiem.-anh-van-dung.jpeg
Ảnh minh họa

Thực tế vấn đề này đã lặp lại ở nhiều địa phương, đặc biệt là hai đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, sau đó là Sa pa, Đà Lạt, Phú Quốc... Phát triển ồ ạt, ăn theo và “giẫm đạp” lên quy hoạch đã nghiễm nhiên trở thành “lẽ thường” khi bất kỳ một địa phương nào có thông tin quy hoạch mới. Và vì coi đó là “lẽ thường” nên thực tế các địa phương mới dễ dàng giẫm vào “vết xe đổ” của nhau vì lợi ích trước mắt mà “băm nát” quy hoạch, cho phát triển vô tội vạ, bỏ mặc tương lai đô thị...

Đáng ngại hơn là không chỉ bị “băm nát” do “chia phần” mà còn bị “băm nát” bởi việc mượn danh điều chỉnh quy hoạch để… phá quy hoạch. Hậu quả là nhiều hộ dân phải “tháo chạy” khỏi khu ở đang bị quá tải trầm trọng cả về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Chỉ vậy thôi, đã cho thấy, những người đã ký quyết định thay đổi quy hoạch không phải là “băm nát” mà là “nghiền nát” quy hoạch tệ hại như thế nào?!

Nhìn về tương lai bức tranh quy hoạch xa hơn từ cơ chế “trong đẩy, ngoài hút” dường như đang đi theo chiều ngược lại. Quy hoạch đô thị vệ tinh giậm chân tại chỗ. Nội đô quá tải. Hạ tầng thiếu đồng bộ. Trời mưa là ngập. Có những con đường phải “gồng mình” gánh hàng chục cao ốc, dày đặc như những “rừng bê tông”. Thiếu hụt không gian xanh, trường học, bệnh viện… Đó là vấn đề của nội đô.

Còn ở khu vực ngoại thành, hay các vùng nông thôn, hàng loạt khu đô thị đình đám, từng gây sốt chục năm về trước đến nay, vẫn chỉ là bãi đất trống hoặc những dãy nhà hoang phế. Đất ruộng thành đất hoang. Người dân xót đất nhưng không thể canh tác vì vướng quy hoạch. Đó là chưa kể, việc thay đổi quy hoạch diễn ra hầu hết theo hướng các quỹ đất công cộng, cây xanh bị biến thành các cao ốc. Dù rằng, khi thay đổi quy hoạch chi tiết các dự án, các lý do đưa ra đều “tốt đẹp” và “đúng quy trình” (?!).

Pháp luật luôn nghiêm minh. Nhưng khi thực hiện lại càng cần đến sự minh bạch hơn của những người cầm cân nảy mực, đó là tiêu chí của xã hội công bằng, phát triển mà chúng ta hướng tới. Và ở đó, nếu tất cả yêu cầu về công khai, minh bạch được thực hiện nghiêm cẩn. Nếu người dân được tham gia đóng góp ý kiến, quyết định và giám sát chặt chẽ việc quy hoạch, thu hồi, sử dụng đất. Nếu chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm giải trình về mọi quyết định, mọi khâu trong quản lý, sử dụng đất đai… thì chắc chắn sự lạm quyền, độc quyền của cơ quan Nhà nước, của cá nhân có thẩm quyền, sự cấu kết của các nhóm lợi ích không thể xảy ra dễ dàng như vậy.

Phương Anh