Triệu Sơn (Thanh Hóa): Vì sao hàng loạt xưởng chế biến bao bì trái phép, gây ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:55, 12/05/2022
Trước đó, Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh tình trạng hàng loạt xưởng chế biến bao bì xây dựng, hoạt động trái phép tại xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn. Đa phần các xưởng chỉ tập trung sản xuất, không đầu tư bài bản về hệ thống xử lý nước thải, khí thải đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài.
Trước tình trạng trên, năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra và có kết luận số 710/KL-STNMT, với nội dung: 28 cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu đóng trên địa bàn xã Thái Hòa, huyện Triệu không có hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.
Về đất đai, hầu hết các cơ sở được kiểm tra sử dụng đất sai mục đích, UBND xã Thái Hòa đã cho một số cơ sở thuê, mượn đất để sản xuất không đúng quy định, các cơ sở tự ý sản xuất ngay trên phần diện tích đất của gia đình, đất công ích, đất lấn chiếm hành lang.
Sau khi xử phạt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND huyện Triệu Sơn tổ chức kiểm tra việc sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất giữa UBND xã Thái Hòa với các cơ sở giặt và tái chế bao bì trên địa bàn xã, trường hợp phát hiện có vi phạm đề nghị có biện pháp xử lý theo quy định. UBND xã Thái Hòa thanh lý, chấm dứt các hợp đồng giao đất không đúng thẩm quyền, chỉ đạo các hộ gia đình, cá nhân tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất thầu, đất lấn chiếm.
Thế nhưng, không hiểu vì sao các cơ sở sản xuất bất chấp các quy định của pháp luật, hiện nay nhiều xưởng chế biến bao bì vẫn ngang nhiên hoạt động. Điển hình như xưởng của hộ gia đình ông Trưởng, bà Dinh và ông Chính, quan sát thực tế tại các cơ sở này cho thấy, các loại bao bì đủ chủng loại được thu gom về tập kết tràn lan quanh khu chế biến. Các dây truyền sản xuất hoạt động ồn ào, kêu inh tai nhức óc.
Trong quá trình chế biến, bụi bẩn, cát, bột và nước thải sẽ được các cơ sở xả trực tiếp ra môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Sau khi chế biến, các chất thải khó phân hủy được các xưởng đổ trực tiếp ra hai bên đường. Bên cạnh đó, hàng ngày mỗi khi các cơ sở hoạt động đốt nguyên liệu đều thải khói ra môi trường xung quanh, bốc mùi nồng nặc rất khó chịu. Dù diễn ra trong nhiều năm, hoạt động công khai giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chăn, xử lý quyết liệt.
Một người dân xã Thái Hòa bức xúc: Các xưởng này hoạt động cả ngày xả khói bụi kinh lắm. Mỗi khi họ đốt bao bì thì e rằng bốc mùi khét như đốt nhựa, cây cối xung quanh cũng vì vậy khó phát triển, nếu ngửi mùi khét thường xuyên e rằng chả mấy chốc mà sinh bệnh. Hiện nay, chỉ còn một số xưởng nhỏ lẻ tồn tại trong khu dân cư, nhưng vẫn còn 3 xưởng khá lớn của ông Trưởng, bà Dinh và ông Chính là hoạt động rầm rộ nhất.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trịnh Văn An, Phó chủ tịch UBND xã Thái Hòa xác nhận: Đúng là có tình trạng các cơ sở giặt, tái chế bao bì vẫn hoạt động gây ô nhiễm. Trước đó, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt, yêu cầu các cơ sở dừng hoạt động. Hiện nay, xã đã đề xuất để quy hoạch một khu vực cho các hộ tái chế bao bì tập trung vào một khu, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
“Trong đó, có cơ sở của hộ gia đình ông Thiều Đình Trưởng, bà Thiều Thị Dinh là xây dựng, hoạt động trên khu đất mỏ quặng đã hết hạn, nhưng phía doanh nghiệp vẫn chưa bàn giao lại cho xã quản lý. Đối với cơ sở của hộ gia đình ông Nguyễn Công Chính, hộ xây dựng trên đất do UBND xã quản lý. Tới đây, xã sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý và có biện pháp yêu cầu các hộ dừng hoạt động”. Ông An cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Triệu Sơn, quan điểm của huyện sẽ xử lý dứt điểm các cơ sở chế biến bao bì trái phép, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Thái Hòa.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!