Đất động

Xã hội - Ngày đăng : 10:46, 12/05/2022

(TN&MT) - Kon Plông (Kon Tum)… cái tên ngỡ trong như cung thanh trên phím đàn mà hóa ra đục hơn con suối vào mùa lũ với dằng dặc hoang mang từ đất. Những can thiệp thô bạo vào lòng đất đang làm rúng động Kon Plông. Gõ vào từ khóa “Kon Plông”, trong 5 giây, 194 nghìn thông tin về đất hiện ra.

Gần 200 vụ động đất tính từ tháng 4/2021 đến nay, dày đặc trong các ngày 15 - 18/4 vừa qua với 22 trận cùng những tiếng nổ lớn trong lòng đất. Đầu tháng 5, động đất bắt đầu hoạt động trở lại, gần đây nhất là 3 trận liên tiếp xảy ra rạng sáng 9/5, 2 ở Kon Plông và 1 ở Tu Mơ Rông, huyện nằm sát Kon Plông.

Khảo sát của Viện Vật lý địa cầu công bố ngày 11/5 cho kết luận: động đất ở Kon Plông và khu vực lân cận là động đất kích thích, xảy ra do tác động của hồ chứa thủy điện tích nước, xuất hiện ngay sau khi thủy điện Thượng Kon Tum phát điện tổ máy số 1 vào 24/3/2021.

3/8 trạm quan sát đã được thiết lập khẩn cấp, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng đã yêu cầu dừng tích nước ngay đối với các công trình hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Kom Tum. Hiện những rung chấn này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, hệ thống lại các số liệu ghi nhận từ đầu năm 2021, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cảnh báo: động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Thời gian tới, tại khu vực này có thể tiếp tục xảy ra các trận động đất mới, đặc biệt có thể tăng cường độ, cao nhất từ 5 - 5,5 độ richter, thậm chí có thể cao hơn.

kon-tum.jpg

Các lý giải đều quy về một nguyên nhân do thủy điện tích nước, tạo áp lực lên các đứt gãy vỏ bề mặt trái đất. Tuy nhiên, đây là cách giải thích thuần túy bằng khoa học của giới chuyên môn. Còn từ góc nhìn nhân học, có ý kiến cho rằng, động đất không chỉ do thủy điện chồng lấn lên đới đứt gãy trên vỏ trái đất, mà còn vì "đứt gãy" quy trình quản lý. Quả không sai.

Bởi thông tin được đưa ra từ Viện trưởng TS. Nguyễn Xuân Anh, động đất kích thích do thủy điện Thượng Kon Tum là gần như được biết trước.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán - A Lưới. Đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn, trên vành đai núi lửa từng hoạt động từ nhiều triệu năm.... Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa... gây ra cả trăm vụ động đất dồn dập tương tự tại Kon Tum bây giờ.

Vì sao những thông tin này không được cảnh báo trước khi triển khai xây dựng các công trình thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Đrinh, Thượng Kon Tum...? Nguyên do nào đã khiến chủ đầu tư và cơ quan phê duyệt dự án lờ đi bản báo cáo đánh giá tác động môi trường và vai trò của ngành TN&MT để đến nỗi chỉ sau khi hoàn tất xây dựng các nhà máy, tích nước để phát điện và gây ra động đất, làm đảo lộn đời sống người dân, đe dọa nguy cơ thảm họa môi trường... thì những thông tin cảnh báo về động đất kích thích vì xây hồ chứa nước trên đới đứt gãy mới được đưa ra?

109ha phát sinh tăng diện tích đối với Thượng Kon Tum đã không được báo cáo kịp thời. Những quy trình bị cố tình làm chồng mờ, đứt gãy. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước đời sống của hàng nghìn cư dân và hệ lụy tai biến địa chất này? Cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, chính quyền Kon Tum và cả Quảng Nam trước đây cần phải trả lời cho rõ.

Lựa chọn nào đáp ứng cân bằng giữa mục đích phát triển với sự an toàn của người dân? Rung chấn có thể ngừng khi thủy điện ngừng tích nước. Nhưng rung chấn cuộc sống và lòng tin của dân thì sẽ tính ra sao? Ai sẽ đảm bảo không có một “thủy điện sông Tranh 2” lặp lại? Khi ấy, bàn tay của những kẻ chống phá Nhà nước lại được dịp thò ra nếu chính quyền và cơ quan chức năng chưa kịp an dân. Đừng trách dân nghiêng ngả khi lòng đất còn chưa yên và bờ vai của chính quyền đang ở quá xa thì sự hoang mang là điều không tránh khỏi. Ngừng tác động vào những đứt gãy thiên nhiên, hàn lại những đứt gãy trong lòng người, và xin chớ dẫm vào “vết xe đổ” .

Việt Hải