Bình Định phát triển rừng gỗ lớn bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:38, 11/05/2022

Xác định việc trồng rừng gỗ lớn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu nên UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn tập trung đạt 10.000 ha, đến năm 2035 đạt 30.000 ha.

Trồng rừng gỗ lớn làm tăng giá trị kinh tế

Bình Định là vùng đất có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất chế biến, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm gỗ, tuy nhiên nguồn nguyên liệu từ các loại cây gỗ lớn chủ yếu nhập từ nước ngoài vì người dân địa phương chỉ trồng loại cây gỗ nhỏ, khi rừng được 4 - 5 năm tuổi đã tiến hành khai thác. Bởi vậy, trồng rừng gỗ lớn đang là mục tiêu mà tỉnh Bình Định hướng tới với những tiềm năng phát triển bền vững. Cùng đó, điều kiện tự nhiên, khí hậu ở đây có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa rất thích hợp cho việc trồng các loại cây rừng gỗ lớn.

dsc_0641.jpg
 Bình Định thực hiện mục tiêu trồng rừng gỗ lớn 

Xác định việc trồng rừng gỗ lớn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu nên UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn tập trung đạt 10.000 ha, đến năm 2035 đạt 30.000 ha.

Hiện nay có ba Công ty lâm nghiệp đang triển khai trồng rừng gỗ lớn gồm: Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Tổng diện tích UBND tỉnh Bình Định phê duyệt cho các doanh nghiệp này theo Đề án phát triển cây gỗ lớn gần 4.200 ha, trong đó có rừng trồng mới, rừng trồng lại sau khai thác và rừng chuyển hóa.

dsco1231.jpg
 Lực lượng kiểm lâm Bình Định tuần tra bảo vệ rừng 

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Đức Sáu, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết: Trước đây tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh và Sông Kôn đạt 3.000 ha. Tuy nhiên, đợt mưa bão cuối năm 2020 đã gây thiệt hại lớn đến diện tích rừng gỗ lớn này với diện tích 600 ha. Do vậy, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 2.400 ha, đạt 57,4% kế hoạch. Chi cục Kiểm lâm Bình Định hướng dẫn cho các Công ty về kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng Phòng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn cho hay: Giai đoạn 2019 - 2030, UBND tỉnh phê duyệt cho Công ty gần 820 ha trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, Công ty đã hoàn thành mục tiêu theo đề án. Trong đó, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn trên 200 ha, rừng gỗ lớn trồng mới 620 ha.

“Chúng tôi nhận thấy việc trồng rừng gỗ lớn có lượng tăng trưởng gỗ bình quân hằng năm từ 22 - 25 m3/ha. Đối với diện tích chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, chúng tôi đã khai thác được năm đầu tiên và đánh giá năng suất tăng 25 - 30% so với rừng gỗ nhỏ”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.

dsco1234.jpg
 Trồng rừng gỗ lớn làm tăng giá trị kinh tế địa phương 

Cùng đồng hành chia sẻ khó khăn

Ông Lê Đức Sáu, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định thông tin thêm: Trồng rừng gỗ lớn có thời gian dài, như cây keo có chu kỳ trên 10 năm, hay các loại cây bản địa như cây cà te, hương trên 70 năm nên nguồn vốn đầu tư khá cao, công chăm sóc lâu dài. Nhưng nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn để phát triển rừng gỗ lớn hiện nay lại chưa thực hiện được.

Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, ngoài ba Công ty lâm nghiệp được phê duyệt diện tích trồng rừng gỗ lớn thì hộ gia đình sẽ được tham gia trồng gần 3.400 ha. Tuy nhiên hiện nay, người dân vẫn chưa tham gia thực hiện.

Ông Lê Đức Sáu chia sẻ: Để người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, phải có những chính sách hỗ trợ về vốn vay cũng như giao quyền sử dụng đất để người dân yên tâm trồng rừng. Ngoài ra, cần thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện liên kết với người dân tạo thành các chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu cây gỗ lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang nghiên cứu cho các Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh và Sông Kôn liên kết với các hộ dân để chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Một vấn đề nữa cũng cần được tháo gỡ, đó là khu vực miền Trung nắng nóng kéo dài và nhiều bão lũ, gây ra rủi ro cao đối với rừng gỗ lớn. Nhiều doanh nghiệp đã tính toán đến việc mua bảo hiểm cho rừng gỗ lớn nhưng hiện chưa có Công ty bảo hiểm nào bán. Do đó, cần có những chính sách bảo hiểm để doanh nghiệp và người dân đảm bảo nguồn vốn tái sản xuất khi có thiên tai xảy ra.

Trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC, ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cao còn có những tác động tích cực về môi trường tự nhiên. Đặc biệt, độ che phủ của rừng duy trì hàng chục năm nên đất đai không bị mưa gió làm xói mòn. Do vậy việc khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn là một định hướng đúng đắn của tỉnh Bình Định hiện nay.

Mỹ Bình