Rừng khô nhiệt đới đang biến mất nhanh chóng

Thế giới - Ngày đăng : 12:30, 11/05/2022

(TN&MT) - Những khu rừng khô nhiệt đới trên toàn cầu đang đối mặt với nạn phá rừng hoành hành, đòi hỏi phải có các biện pháp can thiệp chính sách hợp lý để cải thiện tình trạng này.
2f49e7e44e068f58d617.jpg
Khung phân tích để xác định các biên giới có nạn phá rừng hoành hành trên thế giới. (Nguồn: phys.org)

Phát hiện và lập bản đồ chi tiết về nạn phá rừng

Nghiên cứu cho thấy, rừng khô nhiệt đới - một trong những hệ sinh thái quan trọng đang ngày càng bị đe dọa. Nạn phá rừng từ năm 2000 đã làm biến mất hơn 71 triệu ha rừng khô nhiệt đới, đặc biệt là ở Nam Mỹ và Châu Á. Đáng lo ngại hơn, một phần ba số rừng còn lại cũng đang gặp nguy hiểm vì nằm ở những khu vực biên giới, nơi nạn phá rừng đang ở mức báo động.

Ở châu Phi, những khu rừng khô nhiệt đới tuy chưa bị ảnh hưởng quá nhiều nhưng đã có một vài vụ phá rừng xuất hiện trong thời gian gần đây. Do đó, để bảo vệ các khu rừng khô nhiệt đới trên thế giới, cần giám sát chặt chẽ và có kế hoạch sử dụng đất rõ ràng tại các khu vực này.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tờ Nature Sustainability, các nhà nghiên cứu từ Khoa Địa lý của Đại học Humboldt Berlin (Đức) và từ Viện Trái đất và Sự sống của Đại học Catholique de Louvain (Bỉ) đã đưa ra đánh giá về nạn phá rừng ở các khu rừng khô nói riêng và rừng cây nói chung trên thế giới. Sử dụng chuỗi hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2020, nhóm nghiên cứu phân tích các mô hình phá rừng theo thời gian và không gian trên hơn 18 triệu km2 rừng.

Tobias Kuemmerle, giáo sư tại Khoa Địa lý của Đại học Humboldt Berlin giải thích: “Chúng tôi đã phát triển một phương pháp vượt ra ngoài việc đánh dấu nạn phá rừng. Nói cách khác, giờ đây chúng ta có thể phát hiện và lập bản đồ chi tiết nơi nạn phá rừng đang tăng nhanh và nơi tình trạng phá rừng giảm".

Các điểm nóng về nạn phá rừng ở Nam Mỹ và Châu Á

Kể từ năm 2000, hơn 71 triệu ha rừng khô - gấp đôi diện tích nước Đức - đã bị phá hủy. Các điểm nóng về nạn phá rừng tập trung ở Nam Mỹ như Argentina, Paraguay, Bolivia hoặc Brazil. Ở châu Á, những nơi có nạn phá rừng cao nhất là Campuchia, Lào và Việt Nam.

Matthias Baumann, đồng tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh: “Điều đáng lo ngại là một phần ba trong tổng số rừng khô còn lại đang nằm ở những khu vực có nạn phá rừng tăng cao. Nếu không bảo vệ tốt hơn, chúng ta có thể sẽ mất đi những khu rừng độc đáo này trong tương lai gần".

c8379b7f309df1c3a88c.jpg
Rừng khô nhiệt đới ở Daudere, Lautem, Đông Timor. (Nguồn: Colin Trainor, Wikimedia Commons)

Phần lớn nạn phá rừng xảy ra khi nền nông nghiệp thâm dụng vốn (nền nông nghiệp đòi hỏi đầu tư vốn cao hơn) xuất hiện tại các khu rừng khô nhiệt đới. Khoảng 55% khu vực biên giới mà nạn phá rừng xuất hiện gần đây thuộc các khu rừng khô ở châu Phi. Trong tương lai, đây sẽ là nơi nông nghiệp được mở rộng và phát triển mạnh, nên nếu muốn bảo vệ các khu rừng khô và trảng cỏ (một kiểu thảm thực vật nhiệt đới) ở châu Phi thì giờ là lúc chúng ta phải hành động.

Rừng khô bị đe dọa không kém rừng mưa nhiệt đới

Phá rừng ở các vùng nhiệt đới gây ra các vấn đề lớn về môi trường và xã hội như mất đa dạng sinh học, phát thải các-bon, lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật hoặc làm mất đi kế sinh nhai của hàng triệu người dân địa phương sống phụ thuộc vào những khu rừng này. Ana Buchadas, nhà nghiên cứu tại Khoa Địa lý của Đại học Humboldt Berlin cho biết, đây là vấn đề nguy cấp vì những hệ sinh thái này đang bị đe dọa không kém rừng mưa nhiệt đới trên thế giới.

Theo các tác giả, cần cải thiện việc giám sát những khu rừng bị phá và lập kế hoạch sử dụng đất bền vững hơn. Ana Buchadas nhận định: “Chúng ta cần xác định các mô hình tái diễn của quá trình phá rừng trên các lục địa khác nhau. Đây có thể là khởi đầu thuận lợi để phát triển các chính sách thích ứng hơn với điều kiện địa phương”.

Theo các nhà nghiên cứu, kết quả cũng là cách để rút kinh nghiệm từ một tình huống, ví dụ như các biện pháp can thiệp chính sách ở Nam Mỹ sẽ được vận dụng và cải thiện ở châu Phi - nơi nạn phá rừng đang bắt đầu hoành hành.

Hoài Phương