Thiết lập chính sách đồng bộ quản lý hiệu quả tài nguyên nước: Không ngừng hoàn thiện Chính sách pháp luật về tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:14, 10/05/2022
TS. Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ TN&MT đã có những chia sẻ với PV Báo TN&MT xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012, trong lần sửa đổi này, Bộ sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm nào?
Ông Nguyễn Minh Khuyến:
Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, rà soát những bất cập, chồng chéo với các luật khác có liên quan, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và để bảo đảm việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước có tính đột phá, hiệu quả, hiệu lực trong thi hành, Bộ TN&MT đề xuất xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi với các chính sách, nội dung chính.
Cụ thể, về bảo đảm an ninh TNN, bổ sung các quy định về bảo đảm an ninh TNN quốc gia theo hướng tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ Luật Tài nguyên nước trên cơ sở thống nhất quản lý về TNN nhằm sửa dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao mức bảo đảm an ninh TNN quốc gia, an ninh nước cấp cho sinh hoạt.
Về bảo vệ TNN, bổ sung các quy định về bổ sung nhân tạo nước dưới đất và quản lý các hoạt động trong các vùng được xác định là vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng không có nước mặt và vùng bổ cập cho nước dưới đất; Sửa đổi, bổ sung các quy định trong các hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước; Sửa đổi, bổ sung và luật hóa các quy định liên quan đến hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Về phòng chống tác hại do nước gây ra, sửa đổi, bổ sung các quy định về các giải pháp quản lý nước mưa, phòng chống ngập lụt đô thị.
Về xã hội hóa ngành nước, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tăng cường xã hội hóa trong các hoạt động thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước như: quan trắc TNN; phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; bảo vệ lòng bờ, bãi sông, khôi phục cảnh quan, phát triển nguồn sinh thủy; hoạt động điều tra cơ bản; và dịch vụ công nhằm phù hợp với điều kiện thực tiễn về nguồn lực của Nhà nước.
Về tài chính TNN, bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế, giá trị hàng hóa (ngoài giá trị xã hội) và nâng cao giá trị đóng góp của TNN trong phát triển kinh tế - xã hội; Bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.
Ngoài 5 nhóm chính sách nêu trên, trong quá trình sửa đổi bổ sung, Bộ TN&MT cũng sẽ xem xét sửa đổi một số nội dung nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, chồng chéo, xung đột, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về TNN dưới đây và các nội dung Luật Tài nguyên nước khác còn bất cập, thiếu khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn.
PV: Như ông chia sẻ, an ninh nguồn nước là một trong những nội dung được đưa vào trong sửa đổi của Luật Tài nguyên nước lần này, và để đảm bảo an ninh TNN, Bộ TN&MT cũng đã trình Chính phủ Đề án an ninh TNN quốc gia đến năm 2045. Vậy, Đề án đã đặt ra những giải pháp trọng tâm nào để đảm bảo an ninh nguồn nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Khuyến:
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện Đề án đảm bảo an ninh TNN quốc gia và trình Chính phủ tháng 8/2021. Để đảm bảo an ninh TNN quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án đã xác định mục tiêu cốt lõi là “chủ động, nâng cao khả năng tiếp cận số lượng, chất lượng nước để duy trì sinh kế, đời sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước, phòng chống thảm họa thiên tai liên quan đến nước, bảo tồn hệ sinh thái, đảm bảo quốc phòng và an ninh với chi phí hợp lý thông qua việc thực hiện đổi mới thể chế, chính sách có tính chất then chốt.
Cùng với đó, thực hiện các biện pháp công trình, phi công trình nhằm chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, ứng phó với các sự cố cạn kiệt, suy thoái nguồn nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, quản trị ngành nước trên cơ sở chuyển đổi số”.
Đề án đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Tăng cường hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính ngành nước theo hướng quản trị thông minh; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước và điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hiệu quả sử dụng nước. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ, phát triển, điều hòa phân bổ TNN đảm bảo chủ động nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt và sản xuất.
Chủ động kế hoạch sử dụng nước trên sông xuyên biên giới trên cơ sở giám sát, hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước trong việc chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc, vận hành khai thác nguồn nước. Cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng, đảm bảo an ninh nước cho môi trường.
Tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, chỉ tiêu đảm bảo an ninh TNN, chủ động nguồn nước cho các ngành, lĩnh vực: sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác. Nâng cao năng lực ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước.
Tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao chỉ tiêu đảm bảo an ninh TNN trong thu gom, xử lý nước thải và thoát nước. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ. Xây dựng, vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh TNN quốc gia; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc đảm bảo an ninh TNN quốc gia.
PV: Theo ông, việc khai thác TNN khi chưa có quy hoạch TNN sẽ dẫn tới nguy cơ gì? Và việc hoàn thiện các quy hoạch về TNN có vai trò ra sao đối với phát triển kinh tế - xã hội?
Ông Nguyễn Minh Khuyến:
Khai thác TNN khi chưa có quy hoạch về TNN; không căn cứ vào đặc trưng TNN, xu thế, diễn biến TNN; không căn cứ vào nhu cầu thực tế và xu thế khai thác, sử dụng nước của các ngành, lĩnh vực thuộc các vùng quy hoạch, các lưu vực sông, các tỉnh/thành phố sẽ dẫn đến nguy cơ phân bổ TNN không phù hợp với thực tế: cung không phù hợp với cầu. Đây chính là nguyên nhân căn cốt dẫn đến suy thoát, ô nhiễm nguồn nước trên các sông suối; xâm nhập mặn, hạ thấp mực nước các tầng chứa nước.
Theo quy định tại Điều 3 của Luật Quy hoạch thì quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Còn tại Điều 3 của Luật Tài nguyên nước, quy hoạch về TNN sẽ là công cụ chính để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về TNN. Theo đó, việc bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải tuân theo quy hoạch về TNN đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Vai trò về TNN cũng đã được xác định rõ và định hướng cho các ngành có sử dụng nước và lấy "nước làm cốt lõi" theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.
Từ những luận cứ như trên cho thấy, việc hoàn thiện các quy hoạch TNN có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, vì từ các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nội dung trong quy hoạch về TNN sẽ đưa ra định hướng khai thác, sử dụng nước cho các ngành sử dụng nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mục tiêu chính quy hoạch về TNN nhằm bảo đảm an ninh TNN, điều hòa, phân bổ TNN một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững TNN nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; bảo vệ TNN, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp TNN theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!