Quà… du lịch

Câu chuyện môi trường - Ngày đăng : 07:01, 10/05/2022

(TN&MT) - Không phải vì kẹt xe, tắc đường, nhưng hành trình 170km từ Đà Lạt về Nha Trang của Thanh Xuân và bạn trai đã kéo dài đến 8 tiếng, thay vì 3,5 tiếng như thường lệ. Nguyên nhân là do họ vừa đi vừa… nhặt rác.

“Nhiều rác quá không chịu nổi” là suy nghĩ thôi thúc Thanh Xuân từ những chuyến đi phượt Đà Lạt trước đây nhưng vì khi đó chưa có bạn đồng hành nên chị chưa thực hiện. Lần này, dự định khi lên Đà Lạt sẽ “xin” vài bao rác của chị nhận được sự tán thành từ người bạn đường. Vậy là, sau lượt đi Nha Trang - Đà Lạt, trở về từ Đà Lạt, chị bắt đầu thực hiện việc nhặt rác như dự tính.

Đèo Khánh Lê là điểm gom rác đầu tiên. Với bao bì đựng rác và dụng cụ đã chuẩn bị sẵn, hai người bắt đầu công việc. Rác tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, chai thủy tinh… thì cho vào tải, rác thải không tái chế được thì gom lại chất thành đống và để người của môi trường địa phương tới thu gom.

ccmt-1.jpg

Ban đầu, chị và bạn trai dự tính rác tái chế gom tới đâu thì cho người dân gặp ven đường tới đó để dân bán phế liệu. Thế nhưng, không những không cho được mà khi thấy hai người nhặt nhạnh rác, người dân còn đưa thêm. Suốt đoạn đường về không thấy chỗ thu gom ve chai nên họ phải chở rác về tận Nha Trang luôn.

Trong chặng đường về 170km, họ chỉ nhặt ở khoảng 70km, một phần vì thời gian không cho phép, phần nữa, nếu dọn hết thì xe máy không đủ chở, phải dùng cỡ xe tải và cũng quá sức với phụ nữ, nhất là trong tiết trời nắng nóng như những ngày cuối tháng tư vừa qua.

Trở về nhà đã một tuần sau chuyến đi mà hai cánh tay vẫn chưa hết cháy nắng, và niềm vui của người phụ nữ thì cũng vẫn vẹn nguyên, vui vì đã góp phần làm sạch một đoạn đèo bằng hành động tử tế của mình.

Chị nói mệt thì có mệt, nhất là lúc phải dùng sức đạp bẹp vỏ lon cho xẹp xuống để đủ chỗ đựng, nhưng nhìn thành quả con đường trở nên sạch sẽ họ lại nhủ lòng gắng sức. Không chỉ nhặt rác với mục đích làm sạch điểm du lịch, Thanh Xuân còn mong muốn việc làm của mình và bạn trai sẽ lan tỏa tới đông đảo du khách, để họ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế xả rác và nếu có thể, cùng nhặt rác để làm sạch môi trường. Chị nói: "Hy vọng sau này đi không còn thấy nhiều rác, không còn ai xả rác dọc đường nữa để cung đèo vừa đẹp mà vừa đỡ vất vả cho các công nhân vệ sinh môi trường”.

Ngọc Lim