Đảm bảo tốt nhất nguồn nước cho người dân Bến Tre

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:01, 10/05/2022

(TN&MT) - Trước những áp lực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước (TNN). Bến Tre cũng vừa tổ chức Sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt, thích ứng với BĐKH giai đoạn 2020 - 2030.

Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre xung quanh nội dung này.

PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy Bến Tre?

Ông Bùi Minh Tuấn:

Trên cơ sở Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy, ngày 6/8/2021, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch số 4646/KH-UB để cụ thể hóa các nội dung thực hiện. Theo đó, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, các cấp, các ngành đã triển khai, tuyên truyền các nội dung liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ, phòng chống ô nhiễm, suy thoái nguồn TNN đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân để hiểu rõ tầm quan trọng của TNN, nâng cao nhận thức về an ninh nguồn nước.

a1.-ong-tuan-gd-so-ben-tre.jpg
Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre

Về các giải pháp công trình, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Dự án Quản lý nước Bến Tre; Dự án Cấp nước sinh hoạt Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng; Hệ thống Thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre. Dự án Xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (Ba Tri) đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đang hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đối với Dự án Quản lý hồ chứa nước Kênh Lấp (Ba Tri) đã phát huy hiệu quả tốt, đang tiến hành nạo vét kênh trục chính và các tuyến kênh trong lưu vực hồ, đảm bảo thông thoáng dẫn nước cung cấp vào hồ chứa kịp thời. Riêng Dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải, tỉnh Tiền Giang hiện đang đại diện 3 tỉnh Long An, Bến Tre và Tiền Giang xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, theo tiến độ sẽ hoàn thành phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh trong năm 2022. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện việc xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hằng năm trên địa bàn tỉnh các năm tiếp theo.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy Bến Tre, địa phương đã gặp những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?

Ông Bùi Minh Tuấn:

Mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ TNN được quan tâm tổ chức thực hiện nhưng chưa thật sự đi vào chiều sâu; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ nguồn nước.

Hiện nay, hệ thống đê bao ven sông, ven biển, kênh, mương thủy lợi trên địa bàn chưa hoàn chỉnh, chưa khép kín, do đó chưa đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, trữ ngọt. Tiến độ triển khai dự án xây dựng Cụm công nghiệp Phú Hưng, TP. Bến Tre còn chậm, nên việc di dời các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước chưa thực hiện được.

Công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường ở một số địa phương chưa được tập trung duy trì thường xuyên, dẫn đến việc một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi chưa nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khai thác quá mức TNN.

a3.-dam-bao-ngon-nuoc.jpg

Bến Tre tăng cường quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước

Một số nhà đầu tư đăng ký vùng cấp nước nhưng chậm đầu tư, không phủ kín vùng đăng ký, chất lượng không đảm bảo, làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân cũng như ảnh hưởng thu hút đầu tư, tăng năng lực cấp nước của tỉnh. Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên một số công trình, dự án đã được phê duyệt không triển khai thi công đúng tiến độ theo kế hoạch; công tác giải phóng mặt bằng một số nơi còn gặp khó khăn.

PV: Vậy, tỉnh Bến Tre sẽ có những giải pháp nào để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững TNN?

Ông Bùi Minh Tuấn:

Thời gian tới, Bến Tre sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, các chính sách liên quan đến khai thác, sử dụng TNN, bảo vệ, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt TNN, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của TNN đối với đời sống, sản xuất, để từ đó sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

Bên cạnh đó, tập trung kêu gọi đầu tư, mạnh dạn đề xuất giao tư nhân quản lý, điều hành việc cung cấp nước ở những nơi có điều kiện; thực hiện cơ chế, chính sách thu hút, mở rộng hạ tầng cấp nước sạch; tiếp tục đề xuất nâng cấp công suất các nhà máy nước phù hợp quy hoạch và nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Đồng thời, tỉnh Bến Tre cũng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trên các lĩnh vực TNN, ô nhiễm môi trường nước và các vi phạm trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước.

Trước mắt, Bến Tre tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm về TNN để sớm đưa vào vận hành. Dự kiến đến cuối năm 2022, tỉnh sẽ triển khai thi công xây dựng Dự án hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, huyện Ba Tri; phấn đấu đến năm 2025, hệ thống thủy lợi cơ bản khép kín và hoàn thành hệ thống dẫn nước ngọt từ Tiền Giang để kết nối các mạng cấp nước hiện có trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Bạch (thực hiện)