Vĩnh Phúc: Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai

Đất đai - Ngày đăng : 07:01, 10/05/2022

(TN&MT) - Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố cuối tháng 4 năm nay đánh dấu sự trở lại top 10 ấn tượng của Vĩnh Phúc với vị trí thứ 5 nhờ những nỗ lực trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp. Kết quả PCI cũng ghi nhận và phản ánh nỗ lực cải thiện mạnh mẽ Chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh.

Từ đáy hình sin…

Theo công bố của phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, năm 2020, PCI của tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 29/63 tỉnh thành, giảm 12 bậc so với năm 2019, trong đó Chỉ số Tiếp cận đất đai đứng thứ 61/63 tỉnh thành với 5,8 điểm, giảm 1,13 điểm và giảm 12 bậc và so với năm 2019, thấp hơn bình quân cả nước (6,66 điểm); đứng thứ hạng thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh với 6/11 chỉ tiêu chưa được cải thiện.

Nhiệm vụ cải thiện thứ hạng điểm số của Chỉ số Tiếp cận đất đai được Vĩnh Phúc xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, ngày 9/6/2021, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-STNMT về nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021.

t4.jpg

Vĩnh Phúc đứng thứ 5 bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Tiếp đó, ngày 31/8/2021, Giám đốc Sở TN&MT đã ký cam kết cải thiện Chỉ số Tiếp cận đất đai, đề xuất các nhiệm vụ cải thiện Chỉ số Tiếp cận Đất đai, Chỉ số Đăng ký tài sản và Chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai áp dụng theo 11 tiêu chí liên quan; giao các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần; gắn trách nhiệm với các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc và coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác trong năm 2021.

…đến những đổi thay mạnh mẽ

Theo đó, đã tiến hành rà soát, thanh tra 50 doanh nghiệp và tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi 7 - 10 doanh nghiệp không triển khai sử dụng đất, chậm tiến độ dự án để giúp cho doanh nghiệp có nhu cầu thật sự có mặt bằng kinh doanh. Tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện; thực hiện liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết TTHC với các cơ quan. Đẩy mạnh chính phủ điện tử, minh bạch, công khai quy trình thực hiện, thường xuyên thanh kiểm tra để kịp thời phát hiện sai sót và quy trách nhiệm đến từng tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với chồng lấn thửa đất, xác minh ranh giới, cấp tài sản trên đất…

Thực hiện công khai minh bạch các thông tin quy hoạch, các quy định pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các thông tin doanh nghiệp quan tâm thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ chức phát triển quỹ đất và tổ chức triển khai thực hiện. Công khai đầy đủ trên trang Webs của Sở về Quy hoạch sử dụng đất, công khai Bộ Thủ tục hành chính, cung cấp thông tin thửa đất, cung cấp số điện thoại tiếp nhận thông tin trên Cổng dịch vụ công của tỉnh để giúp cho việc tra cứu thuận lợi.

Căn cứ pháp luật đất đai để xem xét cụ thể, đảm bảo chính xác trong trường hợp thu hồi đất của doanh nghiệp và bồi thường, hỗ trợ sau thu hồi. Xây dựng Dự thảo quyết định điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất ban hành kèm theo Quyết định số 62/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 về việc ban hành quy định về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc 5 năm 2020 - 2024 nhằm bám sát hơn với giá thực tế trên thị trường.

Tăng cường phối kết hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác thu hồi đất, chuyển mục đích, giao đất, định giá thuê đất… theo đúng trình tự, thủ tục, hồ sơ yêu cầu; Công khai các điều kiện, các dự án đủ điều kiện triển khai theo quy định pháp luật về đất đai…

a2-tr4-nguoi-dan-den-dang-ky-thu-tuc-hanh-chinh-tai-trung-tam-hanh-chinh-cong-tp.-vinh-yen.-anh-viet-hung.jpg

Người dân đến đăng ký thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công TP. Vĩnh Yên. Ảnh: Việt Hùng

Cùng với tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện chỉ tiêu cam kết cải thiện Chỉ số Tiếp cận đất đai, việc thực hiện đối thoại với các doanh nghiệp, các huyện, thành phố trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai là điểm cộng đáng ghi nhận của Vĩnh Phúc. Ông Nguyễn Kim Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết: “Trong năm 2021, Lãnh đạo Sở TN&MT đã tham dự đầy đủ các cuộc “Gặp gỡ doanh nhân hàng tuần, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Sở đã trả lời và giải quyết nhanh chóng kiến nghị của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực TN&MT nói chung và đất đai nói riêng, tạo niềm tin từ các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh”.

Tiến tới cải thiện đồng bộ 11/11 tiêu chí

Cũng theo người đứng đầu ngành TN&MT tỉnh, nhằm duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ cụ thể, Sở TN&MT đề nghị các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo cải thiện 11/11 tiêu chí thành phần trong Chỉ số Tiếp cận đất đai. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu vận dụng hiệu quả, linh hoạt hệ thống văn bản pháp luật về đất đai; Quán triệt tinh thần chính phủ kiến tạo và phục vụ người dân, doanh nghiệp đến toàn thể cán bộ, người lao động để xác định rõ thái độ phục vụ; Đơn giản hóa TTHC; Thường xuyên bồi dưỡng năng lực chuyên môn và kỹ năng giao tiếp cho cán bộ thực hiện tiếp nhận và trả kết quả để nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.

Thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, chính sách tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; Hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất, huy động các nguồn vốn xây dựng các khu dân cư có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để bố trí chỗ ở mới cho người có đất bị thu hồi trước khi bồi thường, giải tỏa.

Rà soát các dự án thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp, cụm kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; thu hồi đối với các dự án sử dụng đất không hiệu quả, dự án không triển khai, tạo quỹ đất cho doanh nghiệp có năng lực thực hiện dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhất là việc bảo vệ hiện trạng sử dụng đất...

Với những bứt phá mạnh mẽ và định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, Chỉ số Tiếp cận đất đai sẽ tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy cải thiện năng lực cạnh tranh của Vĩnh Phúc, đưa kinh tế phát triển đúng hướng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Mai Hương