Thừa Thiên – Huế: Cứu hộ động vật hoang dã qua đường dây nóng

Môi trường - Ngày đăng : 14:32, 06/05/2022

Đường dây nóng để cứu hộ động vật hoang dã vừa được Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế lập nên đã phát huy tác dụng, khi các cá thể động vật đã được người dân phát hiện và thông tin, qua đó cứu được các cá thể quý hiếm.

Nhận tin báo của người dân trú tại tổ dân phố Chầm, phường Hương Hồ (TP. Huế), cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm TP. Huế có mặt tại hiện trường, cứu hộ hai cá thể khỉ. Trong đó, một cá thể khỉ đuôi lợn (tên khoa học Macaca leonina), giống đực, có trọng lượng 7 kg và một cá thể khỉ mặt đỏ (tên khoa học Macaca arctoides), giống cái, có trọng lượng 3 kg.

Cả hai cá thể khỉ được ông N.T.K trú tại Tổ Dân phố Chầm phát hiện sau vườn nhà, sau đó liên hệ cơ quan chức năng qua đường dây nóng để giao lại với nguyện vọng thả về môi trường tự nhiên. Các cá thể động vật hoang dã này đều trong tình trạng sức khoẻ tốt, thuộc nhóm IIB động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần bảo vệ theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

278771933_5066846993422330_3596260899871109941_n.jpg

Lực lượng chức năng tiếp nhận các cá thể động vật quý hiếm từ đường dây nóng

“Thật sự tôi không biết các cá thể khỉ này là quý hiếm, nguy cấp nhưng biết đây là động vật rừng, động vật hoang dã cần phải bảo tồn, bảo vệ. Vì vậy tôi liền báo với kiểm lâm đến kiểm tra, tiếp nhận với mong muốn thả chúng về môi trường tự nhiên”, K chia sẻ.

Hạt kiểm lâm TP. Huế đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ để xác lập quyền sở hữu toàn dân và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thả các cá thể nói trên về môi trường tự nhiên, dự kiến tại Khu Bảo tồn Sao La (A Lưới).

Trong khi đó, ông T.Đ.C (trú tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền) cũng vừa phát hiện một cá thể rùa trong vườn nhà. Sau khi nhận được thông tin qua đường dây nóng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền tổ chức tiếp nhận.

Động vật rừng tiếp nhận được xác định là cá thể rùa 4 mắt (Sacalia quadriocellata) với trọng lượng 0,3 kg, tình trạng sức khỏe tốt, thuộc nhóm IIB động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Hiện cơ quan kiểm lâm đang hoàn tất các thủ tục để thả cá thể rùa về môi trường tự nhiên.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, gần đây đơn vị liên tục nhận được thông tin từ người dân phát hiện, tự nguyện giao nộp động vật hoang dã, qua đó cho thấy ý thức bảo tồn, bảo vệ động vật ngày càng nâng cao. Đây chính là sự hợp tác quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng, cơ quan kiểm lâm trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nói riêng và bảo vệ rừng nói chung...

278571876_5054021814704848_3599436210982001341_n.jpg

Cán bộ kiểm lâm thả cá thể rùa về môi trường tự nhiên

Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế cũng đã công bố đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh vi phạm về động vật hoang dã của người dân, tổ chức, đơn vị… qua nhiều kênh liên lạc như điện thoại vào đầu số 0844773030; sử dụng các ứng dụng OTT: Zalo, Facebook (https://www.facebook.com/kieml...); Sử dụng App: “Hue-S”.

Ông Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, thời gian qua, một bộ phận người dân phản ánh khi phát hiện những vi phạm về động vật hoang dã vẫn chưa biết báo cho ai, qua kênh thông tin nào. Hoặc hiện nay tỉnh đã tích hợp mục thông tin về các hành vi trái phép về động vật hoang dã trên trang thông tin Hue S của tỉnh, nhưng khi lực lượng chức năng cần thêm thông tin về vụ việc thì không có.

Cần thiết phải có các hoạt động, chiến lược liên quan nhằm nâng cao nhận thức, hướng đến việc thay đổi hành vi của người dân, cộng đồng trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng tài nguyên rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Từ đó, Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch vận hành đường dây nóng tiếp nhận những vi phạm về động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và kêu gọi cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên...

“Thông qua đường dây nóng, nhân viên tiếp nhận thông tin từ người dân về địa điểm, thời gian, đối tượng vi phạm, hành vi, loài động vật, số lượng, phương tiện sử dụng... Thông tin tiếp nhận được chuyển cho trưởng các phòng chức năng của Chi cục Kiểm lâm để phân tích. Sau đó sẽ chuyển cho các bộ phận, đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Kết quả xử lý của các bộ phận, đơn vị được thông báo cho nhân viên trực đường dây nóng để cập nhật dữ liệu và phản hồi cho người báo tin…”, ông Tuấn thông tin thêm.

Văn Dinh