Giữ vững an ninh truyền tải điện khu vực Nam miền Trung, Tây Nguyên trong mùa nắng nóng

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 06:54, 06/05/2022

Là đơn vị quản lý vận hành lưới điện truyền tải khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên – nơi được coi là “đòn gánh” của hệ thống truyền tải điện Bắc – Nam, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã có sự chuẩn bị trước các tình huống mùa nắng nóng như thế nào? Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Tường – Trưởng phòng An toàn PTC3

PV: Xin ông cho biết để đảm bảo truyền tải điện an toàn trước mùa nắng nóng năm nay, PTC3 đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Tường: Để đảm bảo an ninh truyền tải điện trước mùa nắng nóng năm nay, công tác quản lý vận hành được ban lãnh đạo PTC3 xây dựng từ rất sớm. Đặc biệt, lưới điện khu vực trong mùa khô thường tiềm ẩn tình trạng cháy rừng, cháy mía, …ở bên ngoài hành lang tuyến nguy cơ gây sự cố điện. Chính vì thế, ngay từ giữa tháng 11 năm 2021, Công ty Truyền tải điện 3 đã triển khai công tác xử lý hành lang, kiểm tra phóng điện vầng quang và lập kế hoạch vệ sinh cách điện vùng nhiễm bẩn, nhằm đảm bảo công tác cấp điện mùa khô năm 2022.

anh2ptc3352022.jpg
PTC3 phối hợp cùng lực lượng công an tỉnh Ninh Thuận kiểm tra hệ thống truyền tải điện, tháng 4/2022

Tính đến nay, Công ty đã phát quang, thu dọn và tạo hành lang chống cháy an toàn đường dây truyền tải với khối lượng là trên 3,7 triệu m2, đạt 98,93%. Đối với khu vực canh tác ruộng mía, các Truyền tải điện khu vực tiếp tục theo dõi, chủ động làm việc với các chủ hộ, Nhà máy đường, UBND xã, phường, thị trấn để có phương án thu hoạch mía sớm; đặc biệt tại các khoảng cột có độ cao pha đất thấp với nguy cơ cao xảy ra sự cố phóng điện khi xảy ra cháy mía. Diện tích mía thu hoạch đến nay là trên 1,66 triệu m2, đạt 90,20%, dự kiến đến giữa tháng 5 hoàn thành.

Các Truyền tải điện khu vực thường xuyên cử công nhân tuần canh cho đến khi loại bỏ hoàn toàn nguy cơ cháy gây sự cố. Một số vị trí, khoảng cột xung yếu đã được lắp đặt camera để thường xuyên theo dõi, giám sát, ứng phó kịp thời khi có bất thường xảy ra.

Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và tầm quan trọng của việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải Quốc gia.

anh3ptc3kiemtralamdong352022.jpg
PTC3 phối hợp cùng lực lượng công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hệ thống truyền tải điện

PTC3 đã làm việc với chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, Phòng An ninh kinh tế - PA04 các tỉnh về đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải. Ký cam kết đảm bảo an toàn hành lang lưới điện với các Nông, Lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND xã, phường, thị trấn và hộ dân sinh sống dọc theo đường dây, các hộ có đất, rẫy, ruộng mía dưới các tuyến đường dây.

Làm việc với chủ đầu tư, đơn vị vận chuyển cánh quạt điện Gió về phương án vận chuyển, hổ trợ giám sát khi thực hiện vận chuyển qua các cung đoạn đèo dốc. Bố trí lực lượng ứng trực, tuần tra, kiểm tra và kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm HLATLĐCA đường dây truyền tải, đặc biệt là xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển cánh quạt điện Gió đi qua các cung đoạn đèo giao chéo với đường dây truyền tải (đèo Bảo Lộc, đèo Chuối tỉnh Lâm Đồng; đèo Phượng Hoàng tỉnh Khánh Hòa; đèo An Khê, Mang Yang tỉnh Bình Định; …).

anh4ptc3kiemtra352022.jpg
PTC3 phối hợp cùng lực lượng công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra tại TBA 500kV Di Linh, tháng 4/2022

Lắp đặt biển tuyên truyền, biển cảnh báo các đường dây truyền tải giao chéo đường bộ, ở các khoảng cột có độ cao pha - đất thấp, biển nguy hiểm, biển ranh giới hành lang tuyến đường dây truyền tải.

PV: Theo ông đâu là những khó khăn thách thức trong vận hành lưới điện truyền tải mùa nắng nóng năm nay của PTC3? Đơn vị đã đề ra những giải pháp gì để khắc phục những thách thức này?

Ông Nguyễn Mạnh Tường: Do tốc độ phát triển rất nhanh của các nguồn điện Mặt trời, điện Gió trong thời gian ngắn làm cho một số đường dây 220kV, máy biến áp 500kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông vận hành trong tình trạng đầy tải, có khi quá tải.

Các Trung tâm Điều độ HTĐ miền Nam, miền Trung và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đang phải áp dụng các biện pháp thay đổi kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện để tận dụng tối đa khả năng tải các đường dây 220kV còn non tải. Tuy nhiên, trong mùa khô, sau khi thay đổi kết dây vẫn còn xảy ra đầy tải, quá tải các đường dây 220kV.

Trước đây, hành lang đường dây truyền tải khu vực Tây Nguyên đa phần đi qua khu vực đồi núi trung du, rừng trồng, rừng nguyên sinh thì nay đã được thay thế bằng khu vực canh tác hoa màu, điều, cafe, tiêu,…. và khu vực duyên hải Nam miền Trung đi qua địa hình vùng nguyên liệu mía, khả năng gây cháy rất cao trong các tháng mùa khô. Mặt khác, đường dây thường xuyên vận hành đầy tải, có khi quá tải, dây dẫn qua thời gian vận hành đã bị giãn nở. Vì vậy, phát sinh một số khoảng cột có độ cao pha đất thấp. Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trong khu vực, đảm bảo độ cao pha đất theo đúng quy phạm hiện hành, Công ty phải bố trí san gạt, sạt sườn và căng dây lấy lại độ võng theo đúng thiết kế.

anh5ptc3kiemtr352022.jpg
Truyền tải điện Đắk Nông khai hoang chống cháy và dọn thực bì khoảng trụ 3012-3013 đường dây 500kV Pleiku - Đắk Nông

Trong các tháng mùa khô, cùng nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh COVID-19, phụ tải công nghiệp và tiêu dùng tăng cao so với trước đây. Vì thế, từ Công ty đến các Truyền tải điện khu vực, Đội truyền tải điện, Trạm biến áp 500kV. Tổ thao tác lưu động theo dõi chặt chẽ các đường dây và MBA có khả năng quá tải để phối hợp với các cấp Điều độ có điều chỉnh kịp thời, tránh sự cố gây ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện.

Công ty tăng cường tần suất kiểm tra, đo nhiệt độ mối nối, kiểm tra các khoảng cột xung yếu,… khi phát hiện bất thường, đăng ký cắt điện đột xuất để xử lý, không để ảnh hưởng đến vận hành lưới điện truyền tải. Phối hợp với các cấp điều độ hạn chế tối đa sự vận hành quá tải của các đường dây và thiết bị trên lưới. Thường xuyên theo dõi điện áp hệ thống, điều chỉnh nấc phân áp, phối hợp kịp thời các cấp điều độ để không xảy ra tình trạng quá áp tại thanh cái các TBA 220kV, 500kV, đặc biệt, đối với các đường dây 500kV Bắc – Nam đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Bắc.

Tuân thủ các quy định về vận hành đường dây, đo nhiệt độ mối nối, đầu cốt lèo, kiểm tra độ võng các khoảng cột có khoảng cách pha – đất thấp, đặc biệt là các đường dây mang tải cao: 220kV Tuy Hòa – Quy Nhơn, Quy Nhơn – NMTĐ An Khê – NMĐSK An Khê - Pleiku, Krông Buk – Pleiku 2, Buôn Kuốp – Đắk Nông, Buôn Tuashar – Đắk Nông, Đa Nhim – Đức Trọng – Di Linh, Hàm Thuận – Phan Thiết,…

PV: Để đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định trong mùa nắng nóng năm nay, PTC3 có đề xuất kiến nghị gì với các bộ, ngành, địa phương và người dân khu vực hành lang lưới điện truyền tải?

Ông Nguyễn Mạnh Tường: PTC3 kiến nghị các ban ngành địa phương, người dân phối hợp hỗ trợ và thực hiện tốt các quy định về đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP và Nghị định 51/2020/NĐ-CP nhằm ngăn ngừa và loại bỏ nguy cơ gây sự cố đường dây truyền tải do vi phạm HLATLĐCA. Đặc biệt là tình trạng đốt nương rẫy trong và gần hành lang, thả diều gần hành lang. Các hộ dân cần chằng néo chắc chắc nhà cửa, công trình, hoa màu, … chống bay tốc các vật thể lên đường dây gây sự cố khi chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa và giông lốc xảy ra nhiều nơi.

PTC3 cũng kiến nghị các Nông, Lâm trường, các Công ty Cao su, Ban quản lý rừng phòng hộ nơi có đường dây truyền tải đi qua hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện chặt tỉa cây cao ngoài hành lang có khả năng ngã đổ vào đường dây và cây trong hành lang phát triển nhanh vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện, gây sự cố lưới điện nhất là trong mùa mưa, bão sắp đến.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiến - Trung